Thêm 8 người chết trong phong trào biểu tình, Myanmar căng thẳng sục sôi
(Dân trí) - Lực lượng an ninh Myanmar được cho đã bắn chết 8 người tham gia phong trào biểu tình hôm nay. Tổng số người thiệt mạng hậu đảo chính trong hơn 1 tháng qua đã lên tới 232.
Reuters dẫn nguồn tin từ một đơn vị cung cấp dịch vụ tang lễ cho hay, lực lượng an ninh Myanmar ngày 19/3 dường như đã nổ súng bắn chết 8 người trong một cuộc đối đầu ở thị trấn Aungban, bang Shan. Nguồn tin nói rằng 7 người đã thiệt mạng ngay tại chỗ, trong khi 1 người tử vong sau khi được đưa tới bệnh viện ở thị trấn Kalaw lân cận.
Bầu không khí căng thẳng ở Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng trăm nghìn người xuống đường trong hơn 1 tháng qua nhằm phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2, sau khi quân đội Myanmar đã giành quyền kiểm soát đất nước từ chính quyền dân sự.
Lực lượng an ninh và cảnh sát đã sử dụng nhiều biện pháp để giải tán đám đông biểu tình bao gồm dùng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng và cả đạn thật.
Reuters dẫn nguồn tin cho hay, số người thiệt mạng trong các phong trào biểu tình thời gian qua đã lên tới ít nhất 232 người.
Trong sự việc ngày 19/3 ở Aungban, lực lượng an ninh ban đầu dùng hơi cay để giải tán đám đông, nhưng sau đó, họ đã nổ súng khi dẹp các hàng rào mà người biểu tình dựng lên.
"Lực lượng an ninh muốn dẹp bỏ hàng rào nhưng mọi người phản kháng và họ nổ súng", một nhân chứng giấu tên nói với Reuters.
Phía chính quyền quân sự Myanmar chưa lên tiếng trước vụ việc, nhưng trước đó họ từng tuyên bố lực lượng an ninh sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết.
Các nước Phương Tây đã chỉ trích cuộc đảo chính và kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt bạo lực. Trong khi đó, Indonesia kêu gọi họp ASEAN để tìm kiếm giải pháp cho tình hình chính biến ở Myanmar. Theo Reuters, ASEAN từ lâu đã duy trì nguyên tắc không bình luận về công việc nội bộ của nhau, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy diễn biến ở Myanmar có thể khiến một số nước xem xét lại việc này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi Myanmar khôi phục nền dân chủ và chấm dứt bạo lực để "không có thêm nạn nhân nào nữa". "Sự an toàn và lợi ích của người dân phải được ưu tiên hàng đầu. Indonesia cũng kêu gọi đối thoại, hòa giải được thực hiện ngay lập tức để khôi phục dân chủ, hòa bình và ổn định", ông Widodo cho hay.
Trong một diễn biến có liên quan, một ủy ban gồm các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2 đang cân nhắc yêu cầu Tòa Hình sự Quốc tế điều tra về các diễn biến sau cuộc đảo chính ngày 1/2 để buộc các bên gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm, theo Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun. Ông Kyaw là quan chức được chính quyền dân sự bổ nhiệm trước khi đảo chính diễn ra.
Theo Reuters, tình hình tin tức ở Myanmar hiện khó để tiếp cận và xác minh sau khi chính quyền quân sự đã hạn chế dịch vụ mạng internet. Liên Hợp Quốc tuần này nói rằng có 37 nhà báo đã bị bắt, bao gồm 19 người hiện vẫn bị giam giữ. Hôm nay, có thêm 2 nhà báo bị bắt ở thủ đô Naypyitaw, theo Reuters.