Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Ukraine giữa chảo lửa ở Donbass
(Dân trí) - Giới lãnh đạo Ukraine tiếp tục đối mặt với câu hỏi khó ở thành phố miền Đông Severodonetsk là họ nên rút lui hay kiên quyết chiến đấu tới cùng dưới sức ép dữ dội từ Nga những ngày qua.
Khi vừa tiến quân vào Severodonetsk, các quân nhân Ukraine đã phải đối mặt với loạt đạn pháo dữ dội từ phía Nga. Con đường duy nhất để tiếp cận thành phố là một cây cầu chất đầy xác xe ô tô chắn ngang.
Ở bên trong thành phố được xem là "điểm nóng" giao tranh giữa Nga và Ukraine trong những tuần qua, 2 bên liên tục giằng co nhau từng khu vực tan hoang, bị hỏa lực san phẳng.
Giới lãnh đạo Ukraine giờ đây đối mặt với một câu hỏi chiến lược quan trọng: Khi nào họ nên rút quân khỏi thành phố này và củng cố tại vị trí khác dễ phòng thủ hơn, hoặc tiếp tục cố thủ và đối mặt với rủi ro bị Nga bao vây nếu cây cầu dẫn vào Severodonetsk bị phá hủy.
Đó cũng là câu hỏi khó mà Ukraine đã phải đối mặt nhiều lần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hơn 100 ngày trước: Nên rút đi để giảm thiểu thiệt hại về lực lượng trong thời gian ngắn, hoặc cố thủ đến cùng chờ thời cơ phản công.
Quyết tâm của Ukraine
Trên thực tế Severodonetsk là một thành phố không quá quan trọng về mặt quân sự. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi Severodonetsk và thành phố lân cận Lysychansk bên kia sông là "những thành phố chết" do cường độ giao tranh dữ dội những tuần qua.
Tuy nhiên, có một lý do khiến Ukraine muốn bám trụ và chiến đấu tới cùng. Đó chính là lập trường của họ từ đầu cuộc chiến tới nay: Kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và không nhượng bộ trước Nga.
Nếu Ukraine rút quân lên các vị trí có thể phòng vệ tốt hơn hoặc cao hơn bên kia sông Seversky Donets thì việc phản công giành lại Severodonetsk sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và có thể khiến phía Kiev đổ máu nhiều hơn so với việc tiếp tục cố thủ.
"Để trở lại thành phố, Ukraine sẽ phải trả cái giá rất đắt. Vì vậy, các quân nhân của chúng tôi sẽ không từ bỏ vị trí ở Severodonetsk. Các cuộc giao tranh trong đô thị dữ dội đang tiếp tục diễn ra", ông Zelensky nêu rõ lập trường.
Đây được xem là một trong những lần hiếm hoi ông Zelensky công bố quyết định chiến lược trong chiến sự với Nga. Nó cho thấy mục tiêu của chính phủ và quân đội nước này.
Severodonetsk là thành phố lớn cuối cùng của vùng Lugansk mà Nga chưa giành được quyền kiểm soát. Việc rút khỏi thành phố này có thể làm ảnh hưởng tới tinh thần của lực lượng Ukraine trong giai đoạn kế tiếp của chiến sự. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc kéo dài giao tranh ở đô thị tại Severodonetsk có thể khiến Nga gánh chịu thêm thiệt hại và ảnh hưởng tới khí thế chiến đấu của họ.
Tiến thoái lưỡng nan
Chính phủ Ukraine chưa nêu cụ thể bao nhiêu quân nhân đã thiệt mạng kể từ đầu chiến sự tới nay, nhưng tuần trước ông Zelensky nói mỗi ngày Kiev bị mất 60-100 binh sĩ và 500 người khác bị thương trong giao tranh ở miền Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 7/6 nói rằng 6.489 quân nhân Ukraine đã bị bắt giữ.
Chiến sự ở Severodonetsk đã kéo dài nhiều tuần qua và các quân nhân Ukraine bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng vì sao quân đội không phát đi lệnh rút lui chiến thuật trước những thiệt hại lớn.
Một số ý kiến cho rằng, ông Zelensky có thể đang muốn phát đi "tín hiệu giả", trong khi hành động theo hướng ngược lại.
Một quân nhân Ukraine tên là Kubik nói với New York Times rằng, phía Kiev đang tổn thất nhiều về binh sĩ. Kubik đề xuất: "Hãy để Nga tiến thêm một chút, cho họ nghĩ là họ đã giành được thành phố và rồi chúng ta sẽ gặp lại họ từ vị trí thuận lợi hơn".
Severodonetsk nằm ở bờ phía đông, gần như bằng phẳng của sông Seversky Donets. Bờ tây của sông là khu vực đồi, giúp cho các quân nhân quan sát và có vị trí bắn tốt. Rút về hướng này có thể một hướng đi chiến thuật cho Ukraine.
Giới chức Ukraine vẫn cho rằng, việc kiên quyết cố thủ ở Severodonetsk có ý nghĩa biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine, dù khu vực bờ tây bên kia sông có tầm quan trọng quân sự cao hơn.
Mặt khác, ông Zelensky cho biết, ông vẫn bỏ ngỏ việc sẽ cân nhắc lại quyết định dựa vào các diễn biến thực tế. Ông thừa nhận việc rút lui hoặc ở lại cũng đều rủi ro.
"Cả hai phương án đều rủi ro", ông nói.