1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới ra sao nếu "cuộc chiến" vắc xin Covid-19 về tay trắng?

(Dân trí) - Năm 1984, Bộ trưởng Y tế Mỹ khi đó là Margaret Heckler từng lạc quan nói rằng một vắc xin HIV có thể sẵn sàng để thử nghiệm trong vòng 2 năm. Nhưng gần 40 năm sau đó, thế giới vẫn chưa có vắc xin nào.

Thế giới ra sao nếu cuộc chiến vắc xin Covid-19 về tay trắng? - 1

Các công ty dược khắp thế giới đang chạy đua để tìm kiếm vắc xin phòng bệnh Covid-19 (Ảnh: AFP)

CNN đưa tin, khi các quốc gia khắp thế giới bị tê liệt do các lệnh phong tỏa và hàng tỷ người mất kế sinh nhai, các quan chức đang kỳ vọng về một bước đột phá có thể giúp chấm dứt đại dịch Covid-19: một vắc xin.

Nhưng giới chuyên gia cũng thẳng thắn lên tiếng cảnh báo rằng thế giới cũng cần phải tính tới một viễn cảnh khác, tồi tệ nhất: không có vắc xin nào được phát triển thành công. Nếu xảy ra kịch bản này, thế giới sẽ nhiều lần hi vọng, rồi sau đó lại thất vọng, khi các phương án khác nhau được đề xuất đều thất bại trước "rào cản" cuối cùng - vắc xin.

Nếu không có biện pháp đề phòng, thay vì quét sạch Covid-19, nhiều nước có thể phải học cách sống chung với nó. Các thành phố sẽ dần mở cửa và một số quyền tự do của người dân sẽ trở lại, nếu các khuyến nghị của các chuyên gia được tuân thủ. Việc xét nghiệm và truy tìm người nghi nhiễm sẽ trở thành một phần trong cuộc sống về ngắn hạn, nhưng tại nhiều quốc gia, các lệnh cách ly bất ngờ có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào. Các biện pháp điều trị có thể được tìm ra, nhưng các đợt bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra mỗi năm và số người chết toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng.

Chỉ 4 tháng sau khi bùng phát tại Trung Quốc, dịch Covid-19 cho tới nay đã khiến 3,5 triệu người mắc bệnh và gần 250.000 người tử vong. Những con số này vẫn không ngừng gia tăng mỗi ngày, trong khi nhiều nước bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Đó là một viễn cảnh mà các chính trị gia hiếm khi công khai nói tới. Họ chỉ đang nói một cách lạc quan về các thử nghệm trên người đang được tiến hành để tìm ra một vắc xin. Nhưng nhiều chuyên gia cũng đặt ra một khả năng từng xảy ra vài lần trước đây.

“Có một số virus mà chúng ta không có vắc xin để phòng”, Tiến sĩ David Nabarro, một chuyên gia về y tế toàn cầu tại Đại học Hoàng gia London (Anh), người cũng là đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Coviv-19, nói. “Chúng ta không thể đưa ra một khẳng định chắc chắn rằng cuối cùng sẽ có vắc xin, hoặc nếu có, liệu nó có vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra về sự an toàn và hiệu quả hay không”, ông nói.

Hiện nay, hầu hết các chuyên gia đề tự tin cho rằng vắc xin Covid-19 cuối cùng sẽ được phát triển, một phần vì, không giống các căn bệnh trước đây như HIV hay sốt sét, Covid-19 không biến đổi nhanh.

Nhiều người, trong đó có Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ - cho rằng có thể mất từ 1 năm đến 18 tháng để phát triển vắc xin. Những người khác dự đoán thời gian dài hơn và cho rằng một năm có thể là quá sớm.

Nhưng dù là vắc xin được phát triển thì việc đưa nó vào bất kỳ lộ khung thời gian nào đề cập trên đây cũng là một thành công chưa từng xảy ra trước đó.

Con người chưa từng phát triển một vắc xin nào trong thời gian từ 1 năm đến 18 tháng. Các chuyên gia cho rằng, điều đó không có nghĩa là không thể, nhưng khác thường. Giới chuyên gia nói nên có cả kế hoạch A và B cho việc phát triển vắc xin.

Nếu không có vắc xin 

Vào năm 1984, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người của Mỹ Margaret Heckler công bố trong một cuộc họp báo ở thủ đô Washington rằng các nhà khoa học đã thành công trong việc xác định virus mà sau đó được đặt tên là HIV và dự báo rằng một vắc xin có thể sẵn sàng để thử nghiệm trong vòng 2 năm.

Nhưng gần 40 năm sau đó với khoảng 32 triệu người chết, thế giới vẫn đang chờ đợi vắc xin HIV. Thay vì có một bước đột phá, thế giới đã chứng kiến việc mất nhiều người trẻ và sự ruồng bỏ của cộng đồng với những người mắc bệnh tại các quốc gia phương Tây. Trong nhiều năm, việc chẩn đoán dương tính không chỉ giống như một "bản án chết người", mà còn dẫn tới sự xa lánh của cộng đồng với một ai đó, trong khi các bác sĩ vẫn tiếp tục tranh luận trên các tạp chí y khoa rằng liệu các bệnh nhân HIV có đáng để chữa trị hay không.

Cuộc tìm kiếm vắc xin không dừng lại vào những năm 1980. Vào năm 1997, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã thôi thúc Mỹ phát triển một vắc xin trong 1 thập niên. Nhưng 10 năm sau đó, tức là 14 năm trước, các nhà khoa học cho biết vẫn cần thêm 10 năm nữa.

Các khó khăn trong việc tìm kiếm vắc xin một phần bắt nguồn từ bản chất của HIV/AIDS.

“Bệnh cúm có thể tự thay đổi từ năm này sang năm khác vì thế sự lây nhiễm tự nhiên hoặc việc tiêm phòng năm trước đó giúp bạn không bị nhiễm bệnh vào năm sau. Tuy nhiên, HIV lại biết đổi chỉ trong một lần nhiễm. Nó tiếp tục biến đổi trong cơ thể bạn, vì thế giống như thể bạn bị nhiễm hàng nghìn biến thể HIV cùng lúc”, Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói với CNN.

Để so sánh, HIV gây ra nhiều khó khăn chưa từng có, trong khi Covid-19 không gây ra mức độ khó nắm bắt như vậy, khiến các chuyên gia nhìn chung vẫn lạc quan là thế giới sẽ có vắc xin Covid-19.

Nhưng cũng có những căn bệnh khác làm khó các nhà khoa học và cơ thể con người. Việc tìm kiếm vắc xin hiệu quả phòng ngừa bệnh sốt xuất hiện, vốn lây nhiễm cho tới 400.000 người mỗi năm (theo WHO), đã khiến các bác sĩ “đau đầu” trong nhiều thập niên. Vào năm 2017, một nỗ lực quy mô lớn nhằm tìm kiếm một nhằm phát triển vắc xin đã bị ngừng sau khi người ta thấy rằng nó chỉ làm tồi tệ thêm các triệu chứng của bệnh.

Tương tự như vậy, rất khó để phát triển vắc xin cho virus rhino và virus adeno, vốn gây các triệu chứng cảm lạnh. Hiện chỉ có một vắc xin để phòng 2 loại virus này nhưng chúng không sẵn có với số lượng lớn.

“Bạn có thể rất hi vọng, rồi lại thất vọng”, Tiến sĩ David Nabarro nói, miêu tả quá trình chậm chạp nhằm phát triển vắc xin. “Chúng ta phải xem xét các hệ thống sinh học, chứ không phải các hệ thống cơ chế. Thực tế, nó phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ thể phản ứng ra sao”.

Các thử nghiệm trên người đã diễn ra tại Đại học Oxford ở Anh với một loại vắc xin virus corona được phát triển từ virus tinh tinh và tại Mỹ với một loạt vắc xin khác do công ty Moderna chế tạo. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm - chứ không phải phát triển - mới phức tạp, vì phải chứng minh nó an toàn và hiệu quả hay không.

Thế giới ra sao nếu cuộc chiến vắc xin Covid-19 về tay trắng? - 2

Covid-19 cho tới nay đã khiến gần 250.000 người chết (Ảnh: Reuters)

Phương án B


“Với HIV, chúng ta đã có thể đối phó với một căn bệnh nan y bằng các các loại thuốc kháng virus. Chúng ta đã làm những gì chúng ta hi vọng có thể làm với căn bệnh ung thư. Giờ đây nó không phải là một bản án chết người như những năm 1980”, chuyên gia Paul Offit nói.Nếu không có vắc xin Covid-19 thì virus corona có thể tồn tại song song với con người trong nhiều năm. Nhưng các bài học trước đây giúp mọi người biết cách phải sống với một căn bệnh mà không thể dập tắt.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có với thế giới trong 100 năm qua. Nền kinh tế của nhiều quốc gia chứng kiến sự tụt dốc chưa từng có lần đầu tiên sau nhiều thập niên.

Sự phát triển đột phá về một loại thuốc uống phòng hàng ngày - thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã giúp hàng trăm nghìn người có nguy cơ mắc HIV được bảo vệ khỏi căn bệnh này.

Một loạt các phương án điều trị khác cũng đang được thử nghiệm đối với Covid-19, khi các nhà khoa học tìm kiếm phương án B để đối phó với dịch bệnh, song song với các cuộc thử nghiệm vắc xin đang diễn ra, nhưng các phương ansy này cũng mới đang ở giai đoạn đầu. Các nhà khoa học cũng đang xem xét một loạt thuốc chống Ebola đang được thử nghiệm có tên gọi Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng một điều quan trọng là, bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng không phòng tránh được các ca lây nhiễm trong xã hội, điều đó có nghĩa là đại dịch dễ kiểm soát hơn và có thể thuyên giảm, nhưng căn bệnh sẽ còn tồn tại với con người nhiều năm nữa trong tương lai.

Sống chung với Covid-19 mà không có vắc xin

Nếu không có vắc xin phòng Covid-19, cuộc sống sẽ không thể diễn ra như lúc này và cũng có thể không quay trở lại bình thường nhanh được.

Giới chuyên gia cho rằng biện pháp phong tỏa không bền vững về kinh tế và có thể không bền vững cả về chính trị. Vì vậy, con người cần các biện pháp khác để kiểm soát nó. Điều đó có nghĩa là khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các lệnh phong tỏa, các chuyên gia sẽ hối thúc các chính phủ thực thi cách sống và tương tác mới để “câu giờ” hàng tháng, thậm chí hàng năm hoặc hàng thập niên cho tới khi Covid-19 được loại bỏ bằng vắc xin.

Ông David Nabarro kêu gọi một “hợp đồng xã hội” mới, trong đó các công dân tại mọi quốc gia trong khi bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường phải có trách nhiệm cá nhân nhằm tự cách ly nếu có các triệu chứng bệnh hoặc tiếp xúc gần với một trường hợp nghi mắc Covid-19.

Về ngắn hạn, chuyên gia Nabarro cho rằng một chương trình xét nghiệm rộng và truy dấu vết tiếp xúc cần được thực hiện để cho phép cuộc sống tiếp diễn cùng với sự tồn tại của Covid-19.

Và khi dịch bệnh diễn biến càng lâu thì mọi người càng tranh luận về “sự miễn dịch cộng đồng” - vốn đạt được khi phần lớn dân số (từ 70-90%) miễn dịch với một căn bệnh truyền nhiễm. “Ở góc độ nào đó, điều đó hạn chế sự lây lan, mặc dù sự lây nhiễm tự nhiên không phải là cách tốt nhất để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Cách tốt nhất là có vắc xin”, chuyên gia Offit nói.

Phần lớn các chuyên gia đều tin rằng cuối cùng một vắc xin Covid-19 sẽ được phát triển. Tuy nhiên, các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây cho thấy quá trình tìm kiếm vắc xin có thể khó dự đoán.

“Tôi không nghĩ có bất kỳ vắc xin nào nào được phát triển nhanh. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta có vắc xin trong vòng 18 tháng”, CNN dẫn lời chuyên gia Offit.

An Bình