(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đến hồi kết sau 5 tháng bùng phát, khi Moscow tuyên bố mở rộng mục tiêu quân sự và phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev.
THẾ GIẰNG CO NGA - UKRAINE SAU 5 THÁNG XUNG ĐỘT RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đến hồi kết sau 5 tháng bùng phát, khi Moscow tuyên bố mở rộng mục tiêu quân sự và phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Mở rộng mục tiêu quân sự
Ngày 20/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố các "nhiệm vụ" quân sự của Nga ở Ukraine hiện đã vượt ra khỏi ranh giới hai tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Ông Lavrov nói rằng thực tế đã thay đổi so với thời điểm hai nước đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 khi trọng tâm chiến dịch của Nga là ở Donetsk và Lugansk.
"Hiện giờ yếu tố địa lý đã khác, không chỉ là hai vùng nói trên, mà còn Kherson, Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác", ông Lavrov nêu rõ và nhấn mạnh rằng việc tổ chức đàm phán với Ukraine là "vô nghĩa" trong tình hình hiện tại.
Ông Lavrov khẳng định các mục tiêu ban đầu của Nga, gồm phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine, vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, cục diện chiến trường đã có sự thay đổi, với sự xuất hiện của các khu vực mà Nga đang kiểm soát tại Ukraine.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov được cho là sự thừa nhận rõ rằng nhất rằng, các mục tiêu của Nga ở Ukraine đã mở rộng sau 5 tháng chiến sự.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 23/7 tuyên bố, các lực lượng Nga đã phá hủy 404 máy bay quân sự của quân đội Ukraine, trong đó có 144 trực thăng, kể từ khi Moscow bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Ngoài ra, 1.600 máy bay không người lái, 357 hệ thống tên lửa đất đối không, 4.146 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 763 hệ thống rocket phóng loạt, 3.185 pháo dã chiến và súng cối cùng 4.453 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt của Ukraine cũng bị phá hủy.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, từ ngày 24/2 đến ngày 19/7, Nga đã mất khoảng 1.691 xe tăng, 3.892 phương tiện chiến đấu bọc thép, 851 đơn vị pháo binh, 248 hệ thống rocket phóng loạt, 113 hệ thống phòng không, 220 máy bay chiến đấu, 188 trực thăng, 693 máy bay không người lái, 167 tên lửa hành trình, 15 tàu chiến, 2.767 phương tiện cơ giới và chở nhiên liệu, cùng 70 đơn vị thiết bị đặc biệt.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu CIS Vladimir Zharikhin nhận định việc mở rộng mục tiêu địa chính trị của chiến dịch quân sự ở Ukraine là dấu hiệu cho thấy, nếu nối lại đàm phán, Nga sẽ không chỉ đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk mà cả các vùng lãnh thổ khác. Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của Nga có thể mở rộng đến các khu vực khác như Kherson, Zaporizhzhia, Kharkov, nơi có sự hiện diện của quân đội Nga. Theo ông, tuy Nga hiện vẫn chưa kiểm soát Odessa, Nikolayev, nhưng còn quá sớm để đưa ra kết luận về "số phận" của những khu vực này.
Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Mỹ, tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy quân đội Nga ngay từ đầu đã tính đến việc kiểm soát tối đa lãnh thổ Ukraine, mặc dù Moscow hồi tháng 3 nói rằng lực lượng quân sự Nga chỉ đặt mục tiêu "giải phóng hoàn toàn" Donbass.
Trước khi thông báo mở rộng mục tiêu của chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/7 tuyên bố quân đội nước này đã kiểm soát Lysychansk, thành phố chiến lược cuối cùng ở tỉnh Lugansk, vùng Donbass. Ukraine cũng xác nhận, việc lực lượng vũ trang nước này rút quân khỏi Lysychansk là có chủ ý nhằm hạn chế thương vong cho binh sĩ trong bối cảnh Ukraine đang bị Nga áp đảo cả về số lượng binh sĩ và hỏa lực.
Một quan chức quân đội Ukraine ước tính số hỏa lực của Nga hiện gấp 15 lần của Ukraine. Do vậy, chiến thuật của quân đội Ukraine là rút quân có chiến lược để tránh bị bao vây, hạn chế thương vong trong lúc chờ thêm viện trợ vũ khí hạng nặng từ phương Tây.
Lysychansk "thất thủ" chỉ 2 tuần sau khi Ukraine cũng rút lực lượng khỏi thành phố Severodonetsk lân cận ở bên kia sông Donets. Đây là 2 thành phố được xem là những chốt chặn cuối cùng để ngăn đà tiến công của Nga. Chiếm được hai thành phố chiến lược này đồng nghĩa với việc Moscow kiểm soát gần như hoàn toàn tỉnh Lugansk, tạo bàn đạp để tấn công, bao vây Donetsk, tỉnh còn lại của Donbass. Kiểm soát vùng công nghiệp Donbass được coi là mục tiêu trọng tâm của Nga sau khi kế hoạch bao vây Kiev ở giai đoạn đầu chiến dịch thất bại.
Chiến sự ngoài Donbass
Tuyên bố mới của Ngoại trưởng Lavrov được cho là một tín hiệu nữa cho thấy Nga sẵn sàng cho một đợt tấn công mới với quy mô rộng hơn ở Ukraine.
"Thông điệp mà ông Lavrov muốn gửi tới phương Tây là: Chiến sự càng kéo dài, Nga sẽ càng kiểm soát nhiều hơn", Vladislav Zubok, giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Kinh tế London, Anh cho biết.
Trong những tuần qua, các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công đường dài vào các mục tiêu cách xa tiền tuyến ở cả miền Đông, miền Nam và miền Tây trong bối cảnh Ukraine tiếp nhận ngày càng nhiều hệ thống pháo hạng nặng từ phương Tây.
Những ngày gần đây, Nga đã tăng cường tấn công các mục tiêu ở nhiều thành phố của Ukraine. Kiev cáo buộc quân đội Nga tập kích tên lửa với độ chính xác cao từ các máy bay, tàu chiến và bệ phóng vào hàng loạt mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là các kho vũ khí do phương Tây viện trợ, các khu vực tập kết khí tài và những nơi có lực lượng lính đánh thuê nước ngoài.
Ngoài mặt trận miền Đông, chiến trường miền Nam Ukraine cũng khốc liệt không kém khi quân đội Ukraine liên tục tiến hành các cuộc phản công với hy vọng giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Miền Nam Ukraine là tên gọi chung để chỉ tập hợp 6 tỉnh ở phía Nam lãnh thổ Ukraine, bao gồm Odessa, Mykolaiv, Kherson, Zaporizhia, Dnipropetrovsk và Crimea. Đây là khu vực có vị trí chiến lược đối với cả Nga và Ukraine, thậm chí được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc định đoạt kết quả của chiến dịch quân sự. Việc kiểm soát phía Nam Ukraine cũng giúp quân đội Nga kiềm chế Ukraine về mặt kinh tế và quân sự cũng như góp phần bảo vệ an toàn cho các lực lượng nước này tại bán đảo Crimea và toàn bộ Biển Đen.
Giới chức Ukraine tuần trước cáo buộc Nga tiếp tục pháo kích các thị trấn, làng mạc sau chiến tuyến chạy qua các vùng Dnipropetrovsk, Mykolaiv và Kherson. Tại tỉnh Kharkov, Đông Nam Ukraine, chính quyền địa phương cáo buộc Nga liên tiếp tập kích các mục tiêu như hạ tầng giao thông, các khu chợ và nhà máy xử lý nước. Tại Odessa, Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/7 tuyên bố, đợt tập kích bằng tên lửa tầm xa chính xác cao phóng từ biển đã tiêu diệt một tàu quân sự của Ukraine và một kho chứa tên lửa diệt hạm Harpoon do Mỹ chuyển giao cho nước này ở cảng Odessa.
Quân đội Ukraine được cho là đã chuẩn bị một lực lượng hùng hậu để tiến hành cuộc phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov, khoảng 1 triệu binh sĩ Ukraine, trong đó có khoảng 700.000 quân chủ lực và gần 300.000 binh sĩ thuộc các lực lượng vệ binh quốc gia, cảnh sát và biên phòng đã sẵn sàng tham gia vào chiến dịch này.
Vũ khí hạng nặng từ phương Tây
Khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 6, kho vũ khí của Ukraine từ thời Liên Xô đã cạn kiệt. Kiev phải liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ thêm những khí tài hiện đại. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố, để đối phó thành công chiến dịch quân sự của Nga, Ukraine cần thêm khí tài thật nhanh và nhiều. Cụ thể, trước tiên, Kiev cần hệ thống phòng không, rocket, vũ khí tầm xa, tên lửa chống hạm, xe tăng và các loại xe bọc thép.
Ở giai đoạn đầu xung đột, Mỹ và đồng minh chủ yếu chuyển cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin. Trong giai đoạn hai, Mỹ và các đồng minh bắt đầu cung cấp cho Ukraine vũ khí hạng nặng tầm xa. Những vũ khí này giúp Ukraine tấn công vào sâu bên trong phòng tuyến của Nga, mặt khác cũng giúp Kiev hạn chế tổn thất khi khoảng cách chiến đấu được nới rộng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 thông báo chuyển giao các lựu pháo M777 đầu tiên cho Ukraine, tiếp đến là các pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Tính đến nay, Ukraine đã tiếp nhận các tổ hợp M777 từ Mỹ, Australia, Canada, hay pháo tự hành M109 của Mỹ, lựu pháo PzH2000 của Đức và nhiều loại khí tài khác.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 22/7 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 270 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), 580 máy bay không người lái Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng), 36.000 viên đạn pháo cho các lựu pháo M777. Với lô vũ khí và thiết bị quân sự mới nhất, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chi tổng cộng 8,2 tỷ USD để trang bị vũ khí cho Ukraine.
Với 4 hệ thống HIMARS được Mỹ chuyển cho Ukraine lần này, tổng số pháo phản lực Mỹ cam kết chuyển cho Ukraine lên đến 20. Khi được trang bị hệ thống pháo HIMARS, quân đội Ukraine có thể tấn công vượt các phòng tuyến của Nga, hơn nữa, tác chiến ở khoảng cách xa hơn cũng giúp Kiev hạn chế thương vong từ các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của Moscow.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 21/7 cho biết, nước này sẽ cấp thêm hàng loạt khí tài cho Ukraine, trong đó có 1.600 vũ khí chống tăng, 50.000 quả đạn pháo, các radar phản lực, máy bay không người lái cảm tử.
Ngoài viện trợ vũ khí, phương Tây cũng hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng quân sự Ukraine. Đầu tháng này, giới chức Anh cho biết, hơn 1.500 binh sĩ Ukraine đang có mặt tại nước này để tham gia các khóa huấn luyện quân sự do quân đội Anh tổ chức.
Các chuyên gia Anh và Mỹ cho rằng, nguồn cung vũ khí từ phương Tây đã mang lại hiệu quả nhất định cho Ukraine trong cuộc chiến đối phó Nga. Tuy nhiên, theo họ, việc phương Tây cấp nhiều loại vũ khí khác nhau đang tạo ra "ác mộng hậu cần" cho Ukraine vì "mỗi loại vũ khí đòi hỏi một cách thức huấn luyện vận hành riêng, cách bảo trì và sử dụng hoàn toàn khác nhau".
Ukraine cũng đang phải tìm cách để ngăn vũ khí do phương Tây viện trợ bị tuồn ra chợ đen, hoặc chuyển ra nước ngoài, trong đó có khu vực Trung Đông. Phương Tây ngày càng lo ngại lộ bí mật quốc phòng khi họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường đi của vũ khí vào Ukraine.
Trong khi đó, Nga nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây "bơm" vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Nga cũng tuyên bố, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Moscow. Nga cũng nhiều lần thông báo tập kích phá hủy các kho tập kết vũ khí phương Tây ở Ukraine.
Dự đoán kịch bản xung đột
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines hồi tháng 6 đã đưa ra đánh giá của giới tình báo nước này về tình hình xung đột Nga - Ukraine.
"Trong ngắn hạn, bức tranh toàn cảnh chiến sự vẫn khá mờ mịt", bà Avril Haines nói, đồng thời cho rằng chiến sự có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố trước Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo G7 khác rằng, ông hy vọng chiến sự sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo bà Haine, bất chấp phương Tây viện trợ hàng tỷ USD vũ khí, Ukraine cũng khó có thể sớm lật ngược tình thế.
Quan chức tình báo Mỹ nhận định, Nga vẫn giữ mục đích ban đầu khi mở chiến dịch quân sự là kiểm soát phần lớn Ukraine. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành tình báo Mỹ cho rằng, Nga khó có khả năng đạt được mục tiêu này trong một sớm, một chiều.
Bà Haines cho biết, tình báo Mỹ nhìn thấy 3 kịch bản có thể xảy ra, trong đó nhiều khả năng nhất là Nga sẽ giành thêm một số chiến thắng nữa, nhưng không có đột phá. Một kịch bản khác là Nga đạt được đột phá. Kịch bản cuối cùng là Ukraine củng cố các phòng tuyến và giành một số thành quả nhỏ, có thể ở gần Kherson và những khu vực khác ở miền Nam nước này. Với kịch bản này, Nga sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại lực lượng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố, chiến sự ở Ukraine chỉ mới ở "giai đoạn bắt đầu", đồng thời khẳng định rằng các nỗ lực của phương Tây trong việc đánh bại Nga sẽ "thất bại".
"Dự đoán của tôi là chiến sự sẽ tạm dừng lại với sự bế tắc, có lẽ là bằng một hiệp định đình chiến", Barry R. Posen, Giáo sư Khoa học Chính trị Quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định.
James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang lún sâu vào cuộc xung đột kéo dài hơn 5 tháng qua. Ông Stavridis dự đoán cuộc chiến này có xu hướng kết thúc giống Chiến tranh Triều Tiên.
"Theo tôi cuộc chiến này có xu hướng kết thúc giống Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, một khu quân sự giữa hai bên, song các hành động đối đầu vẫn diễn ra, hay một cuộc xung đột đóng băng. Kịch bản này có thể diễn ra sau 4-6 tháng nữa. Không bên nào có thể trụ được ngoài ngưỡng đó", ông Stavridis nhận định.
Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov về việc mở rộng mục tiêu quân sự của Nga tại Ukraine nhằm tạo tiền đề để Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát tại Ukraine. Kịch bản các vùng lãnh thổ của Ukraine triển khai các bước để sáp nhập vào Nga được dự đoán có thể diễn ra trong thời gian tới. Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho biết 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia có thể tổ chức trưng cầu dân ý vào mùa hè này để quyết định việc có sáp nhập vào Nga hay không.
Thành Đạt
Theo AP, Reuters, AFP, Washington Post