1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Thế bí" của binh sĩ Ukraine trong cuộc đối đầu lực lượng Nga ở miền Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Thiếu vũ khí tầm xa khiến binh sĩ Ukraine ở tiền đồn miền Đông không thể đáp trả các cuộc pháo kích của Nga, ngay cả khi xác định được vị trí của đối phương.

Thế bí của binh sĩ Ukraine trong cuộc đối đầu lực lượng Nga ở miền Đông - 1

Binh sĩ Ukraine theo dõi hoạt động của lực lượng Nga từ xa (Ảnh: New York Times).

Qua ống nhòm, các binh sĩ Ukraine tại một tiền đồn nhỏ ở Pryvillia, tỉnh Lugansk, miền Đông nước này, có thể thấy vị trí đóng quân của Nga từ xa. Tuy nhiên, hệ thống pháo hiện tại mà họ đang vận hành tại tiền đồn nhỏ trên một thảo nguyên lại không đủ tầm để bắn tới đó.

Điều này khiến họ rơi vào tình cảnh liên tiếp hứng các đợt pháo kích từ Nga, nhưng không thể đáp trả. Cứ vài tiếng một lần, họ lại phải lao vào các chiến hào để trú ẩn. "Họ nắm được vị trí của chúng tôi. Cảm giác như chúng tôi ở trong lòng bàn tay của họ", Anatoly Vykhovanets, một binh sĩ tại tiền đồn cho biết.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần như hàng ngày đều kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí hạng nặng, thì tình cảnh ở tiền đồn này có thể coi là minh chứng rõ nhất cho thấy mức độ quan trọng của vũ khí tầm xa đối với Ukraine. Theo giới phân tích quân sự, yếu tố then chốt với quân đội Ukraine lúc này là số lượng, sức mạnh, độ chính xác của các vũ khí tầm xa mà phương Tây có thể cung cấp cho họ.

Đáp lại đề nghị của Kiev, các nước phương Tây đang ra sức chuyển các hệ thống phóng cùng nhiều trang thiết bị quân sự khác cho Ukraine. Tuy nhiên, tốc độ của dòng vũ khí vào Ukraine không nhanh như mong muốn, đặc biệt ở những nơi như tiền đồn tại Pryvillia.

Mỹ thông báo kế hoạch chuyển 90 lựu pháo M777 có khả năng tấn công chính xác trong tầm bắn khoảng 40 km, nhưng đến tuần này, mới chỉ có một lựu pháo M777 được vận hành ở Ukraine. Ngoài ra, Ukraine cũng sử dụng vũ khí khác mà Washington cung cấp như máy bay không người lái, xe bọc thép.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã ký thông qua Đạo luật Cho vay - Cho thuê cho phép chuyển thêm vũ khí của Mỹ cho Ukraine, Hạ viện Mỹ hồi đầu tuần cũng phê chuẩn gói viện trợ bổ sung gần 40 tỷ USD cho Ukraine.

Tuy nhiên, hiện tại, ở tiền đồn của Trung đoàn tăng số 17 của Ukraine ở miền Đông, điều mà các binh sĩ có thể làm là bảo toàn tính mạng. Để làm được điều đó, họ liên tục cử người canh phòng ngày đêm, lắng nghe tiếng pháo nổ của pháo binh Nga từ xa để cảnh báo cho đồng đội. Họ chỉ có khoảng vài giây để xuống hào trú ẩn.

Địa hình rộng lớn, trống trải ở chiến tuyến miền Nam đang đặt ra thách thức với quân đội Ukraine mặc dù họ đã khá thành công với kỹ năng tác chiến đô thị, đẩy lùi lực lượng Nga ở miền Bắc trong giai đoạn đầu xung đột. Chỉ huy một đơn vị của Ukraine tại miền Đông chia sẻ: "Không có nơi nào để ẩn nấp. Giống như nhìn vào một bàn cờ. Hai bên nhìn thấy đối phương, vấn đề là chúng ta có vũ khí gì trong tay. Chúng ta có thể thấy mọi thứ, nhưng câu hỏi duy nhất là có thể đánh trúng mục tiêu đó không".

Về khía cạnh này, Ukraine bất lợi hơn. Ví dụ, lựu pháo Peony cỡ nòng 203 mm của Nga có tầm bắn khoảng 40 km, trong khi pháo Geocent cỡ nòng 152 mm của Ukraine có tầm bắn chỉ khoảng 28 km. Mykhailo Zhirokhov, một chuyên gia phân tích quân sự ở Ukraine, nhận định Nga hiện có hai lợi thế cả về pháo binh và không quân.

Đó là lý do tại sao bên cạnh các tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, Ukraine muốn có được các lựu pháo của Mỹ với tầm bắn 40 km, có hệ thống GPS dẫn đường.

Tất nhiên, với các pháo tầm ngắn và tầm trung cùng với các tên lửa chống tăng, binh sĩ Ukraine vẫn có thể ngăn chặn được một vụ tấn công của xe tăng Nga, cản đà tiến công của lực lượng này. Trong lúc đó, lực lượng Ukraine có thể tiến công hay không có thể còn phụ thuộc vào khi nào họ nhận được những lựu pháo M777, pháo tầm xa của phương Tây.

Theo NYTimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm