Tên lửa Nga phá hủy tuyến đường chính tiếp viện vũ khí cho Ukraine
(Dân trí) - Các tuyến đường sắt ở vùng Lviv, miền Tây Ukraine bị hư hại nặng nề sau khi trúng tên lửa của Nga. Đây là tuyến đường chính mà phương Tây dùng để tiếp tế vũ khí cho Ukraine.
AP dẫn lời Thống đốc tỉnh Lviv Maksym Kozytskyy cho biết, hôm 1/6, các tên lửa hành trình của Nga đã nhắm vào hầm đường sắt Beskidy ở núi Carpathian (gần biên giới Ukraine - Slovakia) nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp tế nhiên liệu và vũ khí cho quân đội Ukraine.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Lviv, ông Maksym Kozytskyi, cho biết vụ tấn công khiến ít nhất 2 người bị thương, trong khi đó lãnh đạo ngành đường sắt Ukraine nói rằng giới chức trách đang tiếp tục đánh giá mức độ thiệt hại đối với tuyến đường sắt. "Chúng tôi đang kiểm tra mức độ thiệt hại về hạ tầng. Theo thông tin ban đầu, không có nhân viên đường sắt nào bị thương. Có 3 đoàn tàu buộc phải hủy hành trình, nhưng không bị hư hại", Oleksandr Kamyshin, giám đốc Công ty Đường sắt Ukraine, nói.
Đây là lần thứ 2 tuyến đường này bị lực lượng Nga tấn công bằng tên lửa hành trình. Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko nhận định, mục tiêu của các cuộc tấn công là "làm gián đoạn giao thông đường sắt, cắt đứt nguồn cung nhiên liệu, vũ khí từ các đồng minh cho Ukraine".
Nga bắt đầu mở rộng tấn công miền Tây Ukraine ở giai đoạn hai của chiến dịch quân sự nhằm tìm cách chặn nguồn tiếp tế vũ khí của phương Tây vào mặt trận miền Đông nước này. Các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào những tuyến đường sắt mà cả các kho nhiên liệu, kho tập kết vũ khí của Ukraine. Moscow cũng nhiều lần cảnh báo, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng" của Nga.
Trong bối cảnh Nga dồn hỏa lực và binh sĩ về mặt trận Donbass ở miền Đông Ukraine, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã tăng cường viện trợ khí tài cho Kiev. Không chỉ gia tăng về số lượng, phương Tây cũng bắt đầu đa dạng chủng loại vũ khí viện trợ, trong đó có vũ khí hạng nặng tầm trung.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống pháo phản lực cơ động cao có tầm bắn tới 80km với đạn rocket, và khoảng 300km với tên lửa chiến thuật. Ngay sau bước đi này của Washington, Anh cũng quyết định sẽ cung cấp pháo phản lực phóng loạt M270 nhằm "tăng cường đáng kể năng lực cho lực lượng Ukraine".
Tổ hợp pháo M270 có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 80km nếu dùng đạn rocket, và tới 500km nếu sử dụng tên lửa dẫn đường.
Trong khi đó, Đức cũng thông báo sẽ cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất của nước này theo đề nghị của Kiev. IRIS-T có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu đồng thời và được thiết kế để đánh chặn máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa chống radar và bom.
Phương Tây tin rằng, các đợt tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hậu cần ở Ukraine đến nay vẫn không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiếp tế khí tài của phương Tây cho nước này. Vũ khí tiếp tế của phương Tây được cho là tập kết ở biên giới Ba Lan và một số địa điểm bí mật khác gần Ukraine.