Chiến sự miền Đông khốc liệt cực điểm, Ukraine cần vũ khí quyết vận mệnh
(Dân trí) - Ukraine cho biết, quân đội của họ đang rất cần các vũ khí hạng nặng tầm xa trong bối cảnh Nga tấn công mạnh chiến tuyến ở miền Đông nước này những ngày gần đây.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, lực lượng Nga đang pháo kích mạnh dọc chiến tuyến từ Lugansk đến Donetsk ở miền Đông nhằm tìm cách chọc thủng phòng tuyến của Ukraine.
Tại cuộc họp báo ngày 30/5, ông Oleksandr Motuzianyk, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine, cho hay quân đội Nga "đang tìm cách bao vây lực lượng của chúng tôi ở Donetsk và Lugansk.
"Chiến sự đã ở mức khốc liệt cực điểm. Lực lượng của Nga đang tấn công toàn bộ chiến tuyến, tìm cách bắn phá các vị trí phòng thủ của chúng ta bằng pháo", ông Motuzianyk nói.
Theo thông tin của giới chức Ukraine, chiến sự miền Đông hiện nay căng thẳng nhất ở khu vực thành phố Severodonetsk. "Các cuộc giao tranh xảy ra trên đường phố. Quân đội Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi nắm được kế hoạch của đối phương. Tình hình khá căng thẳng. Chúng tôi đang cố gắng ngăn đối phương bao vây các đơn vị chiến đấu gần Lysychansk và Severodonetsk, chặn tuyến đường tiếp viện chính của họ", ông Motuzianyk cho hay.
Quan chức này cho biết thêm, phía Nga đang tập hợp lực lượng "nhằm thực hiện một đợt tấn công mới nhằm vào các hướng Izyum - Barvinkove và Izyum - Slovyansk. Nga đã giành quyền kiểm soát thị trấn Lyman ở phía đông bắc Slovyansk.
Những ngày gần đây, Nga đang dồn lực tấn công các vị trí then chốt nhằm kiểm soát hoàn toàn miền Đông Ukraine. Giới chức trách và quân đội Ukraine thừa nhận, tình hình chiến sự ở vùng Donbass hiện nay vô cùng khó khăn khi Moscow áp đảo về binh lực, do vậy, Ukraine cần phương Tây viện trợ nhanh chóng và nhiều hơn nữa vũ khí hạng nặng tầm xa.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine Alexey Arestovych cho rằng, họ khó đẩy lùi đà tiến công của Nga nếu không được Mỹ cung cấp các hệ thống pháo phản lực tầm xa. Ông nhấn mạnh, đó là những vũ khí "cần thiết quyết định vận mệnh và nền độc lập của Ukraine".
Theo ông Arestovych, chỉ cần một số lượng nhỏ các hệ thống vũ khí này, chỉ khoảng 20 hệ thống - đã có thể trở thành yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trong xung đột Nga - Ukraine bởi khi đó Kiev có thể đối phó với các đợt tấn công tầm xa của Moscow.
"Không có các pháo phản lực tầm xa, chúng tôi có thể mất Kherson, Lugansk, Donetsk và một phần vùng Zaporizhzhia", ông Arestovych nói.
Giới chức Mỹ tuần trước cho biết, họ đang cân nhắc đề xuất cấp pháo phản lực phóng loạt MLRS cho Ukraine. Đây là hệ thống có thể tấn công mục tiêu cách xa 300 km. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng lo ngại Kiev có thể sử dụng chúng để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, khiến xung đột leo thang.
Ông Arestovych khẳng định, Ukraine sẽ chỉ sử dụng những vũ khí này cho mục đích phòng vệ lãnh thổ, không tấn công Nga. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua tuyên bố dứt khoát rằng, Mỹ sẽ không chuyển cho Ukraine những hệ thống có khả năng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Washington đang thảo luận gói viện trợ quân sự mới cho Kiev và dự kiến công bố trong vài ngày tới.