1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tên lửa Nga bắn nổ tung 2 tổ hợp HIMARS Ukraine, tạo sóng xung kích

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga đăng tải đoạn video ghi lại cảnh tên lửa Iskander-M của nước này bắn nổ tung 2 tổ hợp hỏa lực phóng loạt HIMARS của Ukraine.

Sputnik đăng tải đoạn video được mô tả là vụ tập kích bằng tên lửa Iskander-M của Nga vào các tổ hợp HIMARS của Ukraine ở gần làng Lelyukovka, khu vực Kupyansk.

Tên lửa Nga bắn nổ tung 2 tổ hợp HIMARS Ukraine, tạo sóng xung kích (Video: Sputnik).

Đoạn video được quay từ trên không cho thấy UAV Nga theo dõi và phát hiện các tổ hợp HIMARS di chuyển trên đường. Sau đó, Nga đã bắn tên lửa Iskander-M của lực lượng Zapad vào các bệ phóng HIMARS và phá hủy chúng. Hình ảnh từ UAV cho thấy 2 tổ hợp HIMARS nổ tung và sóng xung kích phát ra phạm vi vài mét khi các tên lửa Nga đánh trúng mục tiêu.

Ukraine chưa bình luận về đoạn video này.

Trong năm 2022 và 2023, Nga từng nhiều lần tuyên bố đã phá hủy HIMARS của Ukraine nhưng ít khi tung các bằng chứng cụ thể. Mặt khác, Ukraine từng tuyên bố họ đã sử dụng vũ khí giả làm HIMARS để khiến Nga lãng phí đạn dược.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Nga đã đăng tải video cho thấy họ phá hủy HIMARS của Ukraine. Kiev có khoảng 39 hệ thống HIMARS được Mỹ cung cấp. 

Hồi tháng 3, tại Ukraine, việc HIMARS bị phá hủy đã gây ra mối quan ngại cho giới chức nước này, vì tổ hợp hỏa lực này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và nơi tập trung quân của Nga. 

Về mặt bản chất, rocket thông thường trên HIMARS có tầm tấn công 80km nên Ukraine thường triển khai hệ thống này cách xa tiền tuyến để tránh bị Nga phản pháo.

Vì vậy, việc mất đi 1 tổ hợp HIMARS cũng là tổn thất dù Ukraine vẫn còn nhiều hệ thống khác đang hoạt động. Tuy nhiên, nó cho thấy Nga đã có khả năng phát hiện hiệu quả mục tiêu của Ukraine ở sâu phía sau tiền tuyến và tấn công chính xác. Điều này đặt các tổ hợp HIMARS khác vào rủi ro lớn hơn trong tương lai. 

Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan an ninh Ukraine và hiện là cố vấn cho Ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine cho rằng: "Một mặt, đó là dấu hiệu cho thấy khả năng định vị mục tiêu của Nga, nhưng mặt khác, nó cho thấy phía Ukraine thiếu các trạm radar tinh vi, các hệ thống phòng không ở tuyến đầu để bảo vệ lực lượng mặt đất của chúng ta".

Ông nói thêm: "Thỉnh thoảng chúng tôi thấy bằng chứng cho thấy máy bay không người lái trinh sát của Nga bay sâu 50km vào lãnh thổ Ukraine kiểm soát".

Tên lửa Iskander có tầm bay khoảng 500km và đầu đạn uy lực có thể phá hủy các công trình lớn và những cứ điểm kiên cố của đối thủ. Iskander-M có thể khai hỏa vào 2 mục tiêu khác nhau trong vòng một phút. 

Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.

Hệ thống tên lửa Iskander gồm: Tên lửa, xe vận chuyển - nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lý tình báo, xe bảo dưỡng kỹ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi xe vận chuyển mang 2 quả đạn, dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong một phút vào 2 mục tiêu khác nhau, bán kính sai số 5-7m.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine