1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nhắm thẳng mục tiêu, bắn nổ "hỏa thần" HIMARS của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Nga đăng video phá hủy hệ thống pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/3 công bố video ghi lại cuộc tấn công nhằm vào Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) do Mỹ sản xuất và được quân đội Ukraine vận hành.

Đoạn video ngắn dường như được quay từ máy bay không người lái cho thấy hệ thống HIMARS trúng đòn tập kích và phát nổ.

Nga đăng video phá hủy pháo HIMARS của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ hệ thống HIMARS đã bị nhắm mục tiêu như thế nào hoặc ở đâu.

Truyền thông Nga đầu tuần trước cũng công bố đoạn video ghi lại cảnh tổ hợp HIMARS bị phá hủy ở mặt trận Donbass.

Nga từng nhiều lần tuyên bố đã phá hủy HIMARS của Ukraine nhưng ít khi tung các bằng chứng. Mặt khác, Ukraine tuyên bố họ đã sử dụng vũ khí giả làm HIMARS để khiến Nga lãng phí đạn dược.

Tại Ukraine, việc HIMARS bị phá hủy đã gây ra mối quan ngại cho giới chức nước này, vì tổ hợp hỏa lực này đã đóng vai trò quan trọng trong việc nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và nơi tập trung quân của Nga trong thời gian qua.

"Hỏa thần" HIMARS đã được chú trọng khi lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường vào năm 2022 và khi Kiev sử dụng chúng để tấn công các vị trí của Nga, đồng thời ngăn cản Moscow bố trí số lượng lớn đạn dược gần tiền tuyến và duy trì tốc độ bắn cao.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 của Mỹ.

Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 300km.

Phương Tây đã mô tả hệ thống này như một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột. Trên thực tế, HIMARS đã góp phần giúp Ukraine phản công hiệu quả ở một số khu vực và giúp Ukraine giành lại thành phố chiến lược Kherson mà không bị tổn thất quá nhiều.

HIMARS đã phá hủy hệ thống hậu cần, tiếp tế, kho đạn, vũ khí của Nga, làm đà tiến của Moscow bị chậm lại nhờ những quả rocket dẫn đường chính xác, có sức công phá lớn.

Từ đó tới nay, Nga đã bắt đầu triển khai các biện pháp để đối phó với HIMARS, trong đó nổi bật nhất là ứng dụng tác chiến điện tử. Với vị thế là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, Nga sở hữu năng lực tác chiến điện tử đáng gờm, khiến các vũ khí này trở thành khắc tinh hàng đầu của HIMARS.

Diễn biến này buộc Mỹ và Ukraine phải nhanh chóng tìm cách nâng cấp phần mềm của HIMARS để lách qua được nỗ lực gây nhiễu của Nga. Một quan chức Lầu Năm Góc so sánh điều trên với trò một trò chơi "mèo vờn chuột liên tục" khi Mỹ - Ukraine tìm cách đối phó hệ thống tác chiến điện tử của Nga, còn Moscow lại tiếp tục cải tiến vũ khí để bắt bài biện pháp của Washington - Kiev.

Theo RT