1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tây Ban Nha "hoan nghênh" Thủ hiến Catalonia ra tranh cử

(Dân trí) - Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ hoan nghênh cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont tham gia vào cuộc bầu cử khu vực mới, sau khi Madrid kích hoạt điều 155 hiến pháp nhằm tước quyền tự trị khu vực này vì đơn phương tuyên bố độc lập dựa trên cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp”.

Lãnh đạo Catalonia đối mặt nguy cơ ngồi tù 30 năm

Người dân Catalonia tuần hành ăn mừng sau khi nghị viện khu vực tuyên bố độc lập (Ảnh: Reuters)
Người dân Catalonia tuần hành ăn mừng sau khi nghị viện khu vực tuyên bố độc lập (Ảnh: Reuters)

BBC ngày 29/10 đưa tin, phát ngôn viên chính phủ Tây Ban Nha Íñigo Méndez de Vigo tuyên bố hoan nghênh ông Puigdemont tiếp tục ra ứng cử tại cuộc bầu cử mới, dự kiến được Madrid tổ chức tại Catalonia vào tháng 12 tới sau khi nghị viện nước này tuyên bố tước quyền tự trị cũng như giải thế nghị viện và chính quyền khu vực.

“Người dân Catalonia có cơ hội được lên tiếng về những điều họ đã chứng kiến trong năm qua, những hành động vi phạm, lạm dụng và tự đẩy mình ra ngoài vòng pháp luật của chính quyền bị giải thể”, phát ngôn viên trên nói.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì với đường lối để toàn bộ người dân đều có lợi. Không sử dụng bạo lực, không xúc phạm, tôn trọng ý kiến nhân dân một cách toàn diện, cũng như tôn trọng những người Catalonia không đồng ý với quyết định của Tây Ban Nha”, ông Vigo chia sẻ.

Phản ứng về quyết định kích hoạt điều 155 hiến pháp của Madrid, ông Puigdemont đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cho rằng chính quyền trung ương đã thực hiện hành động “xâm chiếm”, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân và cơ chế của nền dân chủ. Ông cũng cam kết sẽ nỗ lực để “xây dựng một quốc gia độc lập” tại Catalonia.

Ngày 28/10, chính phủ trung ương đã chỉ định Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria quản lý trực tiếp vùng lãnh thổ Catalonia giàu có. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã nhận nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng cảnh sát Catalonia sau khi Madrid sa thải hàng loạt các quan chức cao cấp thuộc lực lượng này.

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập diễn ra, Catalonia là vùng lãnh thổ đạt được quyền tự trị ở mức cao nhất tại Tây Ban Nha. Khu vực này có nghị viện, cảnh sát, đài truyền hình, chính quyền và thủ hiến riêng. Họ có quyền đưa ra quyết sách trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, chính quyền Catalonia ủng hộ việc tách ra hoàn toàn ra khỏi Tây Ban Nha. Cuộc trưng cầu dân ý mà Tây Ban Nha gọi là “phạm pháp” đã được tổ chức hôm 1/10 và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đó đã được sử dụng để làm căn cứ giúp vùng này tuyên bố độc lập hôm 10/10. Sau nhiều lần khước từ cơ hội rút lại quyết định từ chính phủ Tây Ban Nha, nghị viện Catalonia đã đơn phương xác nhận quyết định tách ra khỏi Madrid, buộc chính quyền trung ương phải kích hoạt hiến pháp để tước quyền tự trị của khu vực này.

Đức Hoàng

Theo BBC