1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Taliban "đánh nhanh, thắng nhanh", Mỹ sẽ làm gì tiếp theo ở Afghanistan?

Những diễn biến chiến sự tại Afghanistan trong ngày 15/8 xảy ra quá nhanh, nằm ngoài các nhận định trước đó của giới tình báo và phân tích quân sự.

 Thậm chí, việc Taliban tiến vào thủ đô Kabul còn xấp xỉ tốc độ triển khai quân đội của Mỹ nhằm sơ tán nhân viên ngoại giao ở đây.

Những diễn biến nằm ngoài dự đoán

Sau khi giành quyền kiểm soát tất cả các thành phố lớn ở Afghanistan, Taliban hôm nay (15/8) đã bắt đầu tiến vào thủ đô Kabul từ mọi hướng. Sau đó vài giờ, các nhà đàm phán Taliban đã có mặt tại Phủ Tổng thống Afghanistan để đàm phán việc chuyển giao quyền lực.

Taliban đánh nhanh, thắng nhanh, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo ở Afghanistan? - 1

Binh lính thuộc Quân đội Quốc gia Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm tra ở quận Guzara, tỉnh Herat, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Đầu giờ sáng nay, Taliban chiếm thành phố Jalalabad, thành phố lớn cuối cùng ngoài thủ đô Kabul chưa nằm trong tay lực lượng này. Taliban gần như đã kiểm soát hoàn toàn những địa điểm, lãnh thổ quan trọng nhất của đất nước. Đến trưa nay, lực lượng này đã áp sát thủ đô Kabul từ tất cả các hướng. Chỉ huy Taliban lệnh cho các tay súng dừng trước các cửa ngõ của thủ đô để cho phép tiến trình đàm phán với chính phủ bắt đầu.


Ít giờ sau đó, các đại diện của Taliban được cho là đã có mặt tại Phủ Tổng thống Afghanistan để đàm phán bắt đầu cho quá trình chuyển giao quyền lực. Đà tấn công và giành quyền kiểm soát lãnh thổ của Taliban diễn ra nhanh chóng mà không có nhiều sự kháng cự nào từ phía các lực lượng chính phủ. Việc Taliban tiến vào thủ đô Kabul cũng như vậy. Lực lượng này cho biết sẽ không tiến vào Kabul bằng vũ lực và sẽ chờ đợi một thỏa thuận về việc chuyển giao quyền lực với chính phủ đương nhiệm để thể tiếp quản thành phố trong hòa bình.

Trước đó, trong sáng 15/8, Taliban thông báo đã chiếm được thành phố Maidan Shahr - thủ phủ của tỉnh miền Trung Wardakh, nằm cánh Kabul 40km về phía Tây.

Về phần chính phủ Afghanistan, Quyền Bộ trưởng Nội vụ Abdul Sattar Mirzakwal đảm bảo Kabul sẽ không bị tấn công và quá trình chuyển giao sẽ diễn ra trong êm thấm. Người dân Kabul yên tâm vì lực lương an ninh sẽ đảm bảo an toàn. Tại tòa nhà Đại sứ Mỹ ở thủ đô Kabul, người ta chứng kiến máy bay lên thẳng hạ cánh xuống đây để sơ tán công dân Mỹ còn ở lại Kabul.

Trong bối cảnh Taliban gần như kiểm soát hoàn toàn đất nước, chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden đã điều thêm 1.000 binh lính nữa tới quốc gia Nam Á này để đảm bảo quá trình sơ tán công dân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Afghanistan trong trật tự và an toàn; đưa tổng số quân Mỹ hỗ trợ chiến dịch sơ tán lên 5.000 người. Trong sáng 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, thảo luận về các nỗ lực ngoại giao chính trị khẩn cấp để giảm bạo lực.

Hiện tại, các cuộc đàm phán về chuyển giao quyền lực giữa đại diện chính phủ và lực lượng Taliban vẫn đang diễn ra tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Kabul. Trưởng Văn phòng Chính trị của Taliban, và là nhà đàm phán của lực lượng này Abdul Ghani Baradar đang trên đường từ Doha trở về Afghanistan để thúc đẩy quá trình đàm phán này. Theo các nguồn tin ngoại giao, Ali Ahmad Jilali, một học giả đang sống tại Mỹ và là cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan có thể được chọn là người đứng đầu chính quyền lâm thời Afghanistan trong quá trình chuyển giao.

Liệu Mỹ có quay lại can thiệp vào Afghanistan?

Với tình hình như hiện tại, khả năng Mỹ can thiệp trở lại ở Afghanistan là rất nhỏ, nếu không muốn nói là không có hy vọng. Với việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban tháng 2/2020, Mỹ đã có lực lượng này là một bên đối thoại và có khả năng chấp nhận Taliban lãnh đạo đất nước, trên cơ sở các cam kết và hợp tác với phe chính trị còn lại.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là tất yếu bởi mục tiêu tiêu diệt các phần tử khủng bố đe dọa nước Mỹ cơ bản đã hoàn thành, Mỹ cần rút chân ra khỏi cuộc chiến hao người tốn của này. Nhiệm vụ của Mỹ hiện tại là giám sát các diễn biến ở Afghanistan để không thể để quốc gia này rơi vào tình trạng như cách đây 20 năm, trở thành thiên đường cho các phần tử khủng bố trú ngụ và tấn công thế giới.

Hiện tại, chính quyền Mỹ nhìn vấn đề giữa Taliban và chính phủ ở Kabul là công việc nội bộ của người dân nước này và Mỹ không cần can thiệp. Một cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh nếu có xảy ra sẽ là trách nhiệm của các bên tại đất nước này. Giờ đây, Mỹ và các đồng minh có thể đóng vai trò là người giám sát và sử dụng các công cụ răn đe, trừng phạt, hoặc can thiệp quân sự ở mức độ nhỏ nếu có xảy ra nguy cơ an ninh.