1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban bất ngờ cầu cứu các cựu quan chức chính quyền Afghanistan cũ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nền kinh tế nhanh chóng tiến đến bờ vực sụp đổ buộc Taliban phải tìm đến các cựu quan chức của chính quyền Afghanistan cũ để đề nghị họ quay lại hỗ trợ ngăn viễn cảnh này xảy ra.

Taliban bất ngờ cầu cứu các cựu quan chức chính quyền Afghanistan cũ - 1

Viễn cảnh nghèo đói, suy thoái kinh tế đang "bủa vây" Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban (Ảnh: AP).

Khi Taliban lên nắm quyền kể từ ngày 15/8, họ nhanh chóng nhận ra thách thức đang bủa vây Afghanistan: Nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nặng nề và người dân có thể đối mặt với đói nghèo và thảm họa nhân đạo. Vì vậy, họ đã phát đi đề nghị các quan chức tài chính từ chính quyền Afghanistan cũ trở lại làm việc vì họ không có đủ khả năng điều hành nền kinh tế.

Sau 20 năm kể từ lần gần nhất Taliban nắm quyền, nền kinh tế Afghanistan đã chuyển đổi từ những mô hình giản đơn trở thành một cấu trúc phức tạp vận hành bởi thương mại quốc tế và viện trợ từ nước ngoài. Taliban, nhóm vũ trang bắt nguồn từ các giáo sĩ có nguồn gốc nông thôn, đang chật vật với sự chuyển đổi này.

AP dẫn nguồn tin cho hay, Taliban đã huy động hàng loạt quan chức từ Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương, một số ngân hàng quốc doanh của chính quyền Afghanistan cũ về làm việc trở lại. Ba quan chức Taliban xác nhận thông tin này.

"Họ nói với chúng tôi rằng họ không phải là chuyên gia và chúng tôi biết điều gì tốt hơn cho đất nước và cách mà Afghanistan có thể vượt qua những thách thức này", một cựu quan chức ngân hàng giấu tên cho biết.

Một cách âm thầm, các quan chức trên đưa ra khuyến nghị cho đội ngũ lãnh đạo Taliban về việc vận hành hệ thống tài chính đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, là những người có kinh nghiệm, họ đang chứng kiến nền kinh tế Afghanistan dưới thời Taliban đang vướng vào "vũng lầy không lối thoát". Hàng tỷ USD tại các quỹ quốc tế bị đóng băng và nguồn thu nội địa tối đa chỉ là 500-700 triệu USD, con số không đủ để trả lương công chức hay cung cấp hàng hóa và dịch vụ cơ bản.

Việc Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8 đã khiến hầu hết các quỹ tài trợ quốc tế ngừng bơm tiền do Taliban chưa được công nhận. Các khoản tiền này từng chiếm 45% GDP và tài trợ 75% chi tiêu nhà nước, bao gồm cả tiền lương của khu vực công. Năm 2019, tổng chi tiêu của chính phủ Afghanistan cũ là gần 11 tỷ USD.

Khi nạn hạn hán đang hoành hành, Liên Hợp Quốc cảnh báo viễn cảnh u ám rằng, 95% dân số Afghanistan sẽ bị thiếu lương thực và 97% dân số đối mặt nguy cơ sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Việc Mỹ đóng băng khoản dự trữ hàng tỷ USD của Afghanistan làm ảnh hưởng tới tính thanh khoản của cả ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại và hạn chế khả năng thực hiện các giao dịch quốc tế của các tổ chức này.

Tại Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương do Taliban lập ra, các cuộc họp diễn ra gần như hàng ngày xoay quanh việc mua sắm các mặt hàng cơ bản như bột mì để tránh nạn đói, tập trung thu thuế cũng như tìm nguồn thu trong bối cảnh đang thiếu hụt nghiêm trọng hàng gia dụng. Ở Afghanistan, tất cả dầu nhiên liệu, 80% điện năng và tới 40% lúa mì đều được nhập khẩu.

Một quan chức giải thích rằng Taliban không hiểu về quy tắc tiền tệ quốc tế, vì họ vốn là nhóm du kích. Nhiều cựu quan chức chính quyền cũ nói rằng Taliban dường như quyết tâm loại bỏ tham nhũng và mong muốn có sự minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề của họ hiện tại là không có kiến thức cần thiết về tài chính và kinh tế.