1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bi đát cảnh cha mẹ Afghanistan bán con trả nợ sau khi Taliban nắm quyền

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số gia đình ở Afghanistan phải bán con để trả nợ do tình trạng đói nghèo gia tăng kể từ khi Taliban lên nắm quyền trở lại.

Bi đát cảnh cha mẹ Afghanistan bán con trả nợ sau khi Taliban nắm quyền - 1

Người dân Afghanistan tìm cách chạy tới sân bay ở thủ đô Kabul để sơ tán (Ảnh: Reuters).

Theo báo Wall Street Journal, Saleha, một người làm công việc dọn dẹp ở phía tây Afghanistan, đã bán con gái 3 tuổi cho một người đàn ông mà cô nợ khoảng 550 USD. Saleha, 40 tuổi, nhận được 70 xu mỗi ngày từ công việc của mình, còn chồng cô không có việc làm.

"Nếu cuộc sống tiếp tục tồi tệ như thế này, tôi sẽ giết các con mình rồi tự sát. Tôi thậm chí không biết tôi nay chúng tôi sẽ ăn gì", Saleha nói.

"Tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để cứu con gái mình", chồng của Saleha cho biết.

Khalid Ahmad, người cho Saleha vay tiền, nói rằng anh ta phải nhận bé gái 3 tuổi để trừ nợ.

"Tôi cũng không có tiền. Họ không trả lại tiền cho tôi. Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhận bé gái", Khalid cho biết.

Bi đát cảnh cha mẹ Afghanistan bán con trả nợ sau khi Taliban nắm quyền - 2

Thu thập chai nhựa để bán là một trong số ít công việc kiếm ra tiền ở Afghanistan (Ảnh: WSJ).

Sau khi Taliban lên nắm quyền, các nước láng giềng Pakistan và Iran đều đóng cửa biên giới với Afghanistan, khiến nhiều người Afghanistan không có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nước này. Họ buộc phải thu thập chai nhựa và rác có thể tái chế để đem bán. Một số gia đình không còn cách nào khác ngoài bán con để trả nợ.

Vào tháng trước, cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc cho biết Afghanistan đang có nguy cơ rơi vào "tình trạng nghèo đói phổ cập" sau khi lực lượng Taliban nhanh chóng tiếp quản đất nước hồi tháng 8.

Kanni Wignaraja, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết trong vòng một năm tới, tỷ lệ nghèo đói ở Afghanistan sẽ tăng lên mức đáng báo động 97% hoặc 98%.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, 95% người Afghanistan không đủ ăn và người dân nước này "đang bị đẩy đến bờ vực của sự sống còn".

Bi đát cảnh cha mẹ Afghanistan bán con trả nợ sau khi Taliban nắm quyền - 3

Những người đàn ông chờ nhận viện trợ lương thực tại một điểm phân phối do Chương trình Lương thực Thế giới điều hành ở Herat, Afghanistan (Ảnh: WSJ).

Đằng sau những con số thống kê trên là vô số bi kịch của những gia đình như Saleha. Saleha và chồng từng làm việc trong một trang trại ở tỉnh Badghis, phía tây Afghanistan, nhưng 2 năm trước họ đã mất thu nhập vì chiến tranh và hạn hán. Vì vậy, họ buộc phải đi vay tiền.

Trong bối cảnh hệ thống tài chính và thương mại tê liệt sau khi Taliban tiếp quản đất nước, giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản như bột mì và dầu đã tăng gấp đôi kể từ giữa tháng 8.

Theo Wignaraja, sau khi Mỹ lật đổ Taliban khỏi bộ máy chính quyền Afghanistan vào năm 2001, Afghanistan đã đạt được một số thành tựu phát triển như tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người.

Trong hai thập niên qua, Afghanistan đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể, nhưng những thành tựu này đang có nguy cơ sụp đổ vì bất ổn chính trị.

Wignaraja cho biết Afghanistan đối mặt với "sự sụp đổ của hoạt động ngân hàng" khi Taliban lên nắm quyền. Đại dịch Covid-19 càng khiến tình hình bất ổn trở nên nghiêm trọng hơn.

Bi đát cảnh cha mẹ Afghanistan bán con trả nợ sau khi Taliban nắm quyền - 4

Một thành viên của Taliban ôm súng chờ bên ngoài một tiệm bánh mì, trong khi những người phụ nữ ngồi xin tiền (Ảnh: WSJ).

Trong nỗ lực nhằm hạn chế nguồn lực của Taliban, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng gần 10 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan, phần lớn do Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York nắm giữ.

Shah Mehrabi, thành viên hội đồng quản trị cấp cao của Ngân hàng Da Afghanistan, nói với Bloomberg rằng động thái trên của Mỹ bị chỉ trích là sai hướng và rốt cuộc sẽ gây tổn hại cho người dân Afghanistan hơn là cho Taliban.

Các quan chức Taliban đã nhiều lần nói rằng họ hoan nghênh viện trợ quốc tế cho Afghanistan, nhưng sẽ không đánh đổi đức tin Hồi giáo của họ để lấy viện trợ. Mỹ gần đây đồng ý viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, nhưng nhấn mạnh viện trợ đó không đồng nghĩa với việc chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan.