1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo nội chiến Myanmar, phương Tây tính siết trừng phạt

Minh Phương

(Dân trí) - Nga phản đối phương Tây trừng phạt quân đội Myanmar với lý do nó có thể đẩy quốc gia này vào nội chiến. Tuy vậy, các nước châu Âu vẫn có ý định áp thêm lệnh trừng phạt với chính quyền quân sự Myanmar.

Nga cảnh báo nội chiến Myanmar, phương Tây tính siết trừng phạt - 1
Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng xuống (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 6/4 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp lệnh trừng phạt nhằm vào các lợi ích kinh tế của quân đội Myanmar. "Chúng tôi sắp áp thêm các lệnh trừng phạt kinh tế ở cấp độ toàn khối 27 quốc gia EU nhằm vào các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Myanmar để các lệnh trừng phạt này có thể thực thi nhanh chóng".

Tháng trước, EU đã áp lệnh trừng phạt hàng loạt tướng lĩnh Myanmar bị cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính ngày 1/2. Mỹ cũng áp hàng loạt lệnh trừng phạt với các tướng và doanh nghiệp quân đội Myanmar. Các lệnh trừng phạt này nhằm gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho các quan chức dân sự, khôi phục nền dân chủ.

Tuy nhiên, Nga cho rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar là "vô ích và nguy hiểm". "Giải quyết bằng đe dọa và gây sức ép, gồm áp lệnh trừng phạt với chính quyền quân sự Myanmar là không hiệu quả và cực kỳ nguy hiểm. Những chính sách đó sẽ đẩy Myanmar đến một cuộc nội chiến toàn diện", hãng tin Interfax dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bình luận.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính kéo dài hơn 2 tháng qua chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đến nay, gần 600 người đã thiệt mạng và gần 3.000 bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số cũng tham gia vào phong trào phản đối đảo chính, làm dấy lên lo ngại Myanmar có thể rơi vào một cuộc nội chiến. Hàng nghìn người ở các khu vực biên giới của Myanmar đã vượt biên sang các nước láng giềng như Thái Lan, Ấn Độ để lánh nạn.