1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người tị nạn ùn ùn chạy về biên giới, trốn khỏi "chảo lửa" Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Khủng hoảng tại Myanmar đang lan tới khu vực biên giới, khi hàng nghìn người tị nạn tìm cách vượt biên sang Ấn Độ và Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng 2.

Người tị nạn ùn ùn chạy về biên giới, trốn khỏi chảo lửa Myanmar - 1

Người biểu tình đốt lốp xe phản đối đảo chính ở Yangon, Myanmar ngày 30/3 (Ảnh: Reuters).

Các nhà chức trách ở cả Ấn Độ và Thái Lan vẫn đang tìm cách chặn những người tị nạn mới vượt biên từ Myanmar. Họ lo ngại dòng người tị nạn sẽ ngày càng đông hơn, nếu tình trạng bất ổn đang bùng phát khắp Myanmar trở nên tồi tệ hơn.

Tuần trước, một quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc cảnh báo, Myanmar đang trên bờ vực rơi vào vòng xoáy bất ổn nếu không sớm có hành động để ngăn chặn đổ máu.

Thái Lan được cho là đã tìm cách đẩy hàng nghìn người chạy khỏi Myanmar trở lại biên giới của họ, sau các cuộc không kích của quân đội Myanmar nhằm vào các ngôi làng do lực lượng dân tộc thiểu số Karen kiểm soát hồi tuần trước.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thừa nhận nước này đang đối mặt với dòng người tị nạn Myanmar ngày càng đông hơn.

"Chúng tôi không muốn dòng người di cư ồ ạt vào lãnh thổ của mình, nhưng chúng tôi cũng sẽ xem xét vấn đề nhân quyền. Chúng tôi đã chuẩn bị một số khu vực, nhưng chúng tôi không muốn nói về việc chuẩn bị các trung tâm tị nạn vào lúc này. Chúng tôi sẽ không đi xa như vậy", Thủ tướng Thái Lan cho biết.

Trong khi đó, ít nhất một bang ở biên giới của Ấn Độ đã rút lại sắc lệnh được đưa ra hồi tháng trước nhằm từ chối tiếp nhận người tị nạn vượt biên từ Myanmar. Phía Ấn Độ cho biết các chỉ thị của họ đã bị "hiểu sai".

Sự xuất hiện của ổ dịch Covid ở Thụy Lệ - thành phố biên giới của Trung Quốc, nơi các nhà chức trách đã truy vết được các ca nhiễm từ Myanmar, là tín hiệu cho thấy nguy cơ phát sinh từ những cuộc di dân xuyên biên giới quy mô lớn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh "lịch sử kéo dài nhiều thập kỷ" của các nước láng giềng trong việc bảo vệ người tị nạn từ Myanmar, đồng thời cảnh báo rằng việc chặn những người tị nạn là bất hợp pháp theo luật quốc tế.

Tại bang Mizoram của Ấn Độ, các chính trị gia và người dân địa phương đã mở rộng vòng tay chào đón hơn 1.000 người đi bộ xuyên rừng từ Myanmar và lội qua các con sông để tìm nơi trú ẩn.

Giới chức Ấn Độ cho biết, trong số những người vượt biên từ Myanmar có nhiều người là cảnh sát. Họ đã bỏ trốn sau khi chống lại mệnh lệnh bắn vào người dân trong các cuộc biểu tình.

Ít nhất 550 dân thường, trong đó có 46 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gây chấn động tại các thành phố lớn của Myanmar kể từ khi quân đội lên nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi tháng 2. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar, hơn 2.750 người cũng bị giam giữ hoặc bị kết án.

Bất chấp các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh, những người biểu tình vẫn tiếp tục đổ ra đường tại Myanmar, yêu cầu quân đội tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử dân chủ được tổ chức vào cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh người biểu tình vẫn thách thức chính quyền quân sự, cũng như những lo ngại về việc tình hình ở Myanmar có thể leo thang thành cuộc nội chiến toàn diện, một số nước trong khu vực đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó với dòng người tị nạn từ Myanmar.