Sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của Nga
(Dân trí) - Thông báo của Tổng thống Vladimir Putin về việc sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus đang khiến sự chú ý tập trung vào kho vũ khí hạt nhân của Moscow.
Trong một tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-24 hôm 25/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đã ký một thỏa thuận với Belarus để triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước láng giềng.
"Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, điều này sẽ không vi phạm thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và cho rằng, động thái này của Moscow tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu. "Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các nước đồng minh, các quốc gia NATO, ở châu Âu từ lâu", ông nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo Nga, thỏa thuận với Belarus được đưa ra sau khi Anh tuyên bố gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, vốn có liên quan đến công nghệ hạt nhân.
Thông báo trên của Tổng thống Putin đang khiến sự chú ý tập trung vào kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga. Nhiều câu hỏi đặt ra như: kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn cỡ nào và ai kiểm soát?
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phóng để sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.
Sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của Nga
Nga, quốc gia kế thừa kế kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, có kho dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Moscow hiện sở hữu khoảng 5.977 đầu đạn như vậy tính đến năm 2022, so với con số 5.428 của Washington.
Ước tính có khoảng 1.500 đầu đạn đã "nghỉ hưu", 2.889 đầu đạn dự trữ và 1.588 đầu đạn chiến lược được triển khai. Các nhà khoa học nguyên tử cho biết, Nga có 812 tên lửa đạn đạo được triển khai trên đất liền, 576 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và khoảng 200 tên lửa tại các căn cứ máy bay ném bom hạng nặng.
Trong khi đó, Mỹ có 1.644 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai. Trung Quốc có tổng cộng 350 đầu đạn, Pháp 290 và Anh 225, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. Thời Chiến tranh Lạnh, kho vũ khí của Liên Xô đạt đỉnh với khoảng 40.000 đầu đạn hạt nhân trong khi đỉnh cao của Mỹ là khoảng 30.000 đầu đạn.
Nga dường như cũng có khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị hạt nhân, mà các nhà khoa học nguyên tử ước tính có thể mang tới 1.185 đầu đạn. Moscow cũng vận hành 10 tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí hạt nhân, có thể mang tối đa 800 đầu đạn và có 60 đến 70 máy bay ném bom hạt nhân.
Trong báo cáo "Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022", Mỹ cho biết, Nga và Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, trong khi Washington sẽ theo đuổi cách tiếp cận dựa trên kiểm soát vũ khí để ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết, ông có thông tin Mỹ đang phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, chỉ có một số quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân, theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Mỹ thử nghiệm lần cuối năm 1992, Trung Quốc và Pháp năm 1996, Ấn Độ và Pakistan năm 1998, và Triều Tiên năm 2017. Và Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990.
Tổng thống Nga là người ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cả chiến lược và phi chiến lược, theo học thuyết hạt nhân Nga. Cái gọi là "vali hạt nhân hay "Cheget" (được đặt theo tên của Núi Cheget ở Dãy núi Kavkaz), luôn theo sát Tổng thống Nga dù nhà lãnh đạo này ở bất cứ đâu.
Theo Hiến pháp Nga, tổng thống cũng là tổng tư lệnh quân đội, nhưng trong trường hợp tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, tất cả các nhiệm vụ của tổng thống đều thuộc về thủ tướng. Tuy nhiên, thủ tướng Nga không được trang bị vali hạt nhân, thay vào đó Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng sở hữu thiết bị này. Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, hiện nay là Sergey Shoigu, và Tổng tham mưu trưởng, hiện là Valery Gerasimov, được cho là hiện cũng có những chiếc cặp như vậy.
Về cơ bản, 3 vali hạt nhân được kết nối với một mạng lưới chỉ huy dự phòng, gọi là Kavkaz, gồm cáp tín hiệu, thiết bị truyền radio và vệ tinh. Nếu Tổng thống Nga quyết định phát động một cuộc tấn công hạt nhân, mệnh lệnh sẽ đi từ vali hạt nhân đến thiết bị tiếp nhận gọi là Baksan, đặt tại sở chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng, lực lượng tên lửa, hải quân và không quân thông qua mạng lưới thông tin liên lạc được gọi là Kazbek.
Đoạn phim do kênh truyền hình Zvezda của Nga chiếu vào năm 2019 lần đầu tiên tiết lộ các thành phần bên trong chiếc vali hạt nhân nổi tiếng và cả cách thức hoạt động của vật dụng quyền lực được mô tả là "chiếc cặp có hàng loạt nút" này.
Trong phần gọi là "lệnh", có hai nút là nút "kích hoạt" là màu trắng và nút "hủy lệnh" là màu đỏ. Theo Zvezda, chiếc cặp được kích hoạt bằng thẻ ghi chú đặc biệt. Chiếc thẻ này sẽ chứa thông tin của cá nhân ra lệnh và sẽ được dùng như chìa khóa để thực hiện kích hoạt vali hạt nhân trước khi nó có thể được sử dụng để ra lệnh tấn công.
Nếu Nga nghĩ rằng họ phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược, tổng thống, thông qua những chiếc cặp, sẽ gửi lệnh phóng trực tiếp tới Bộ chỉ huy tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị, những đơn vị nắm giữ mã hạt nhân.
Những mệnh lệnh như vậy nhanh chóng được chuyển xuống các hệ thống thông tin liên lạc khác nhau và đến các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó vũ khí hạt nhân sẽ được kích hoạt nhắm vào các mục tiêu.
Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công như vậy, tổng thống Nga có thể tham khảo ý kiến của các lãnh đạo cấp cao từ Hội đồng An ninh trước khi ra lệnh. Lúc đó, toàn bộ trạng thái hạt nhân của Nga sẽ thay đổi: Tàu ngầm sẽ ra khơi, lực lượng tên lửa sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao nhất và máy bay ném bom chiến lược sẽ xuất hiện tại các căn cứ và sẵn sàng cất cánh ngay lập tức.