1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lên tiếng về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.

Mỹ lên tiếng về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - 1

Một hệ thống tên lửa Iskander-M (Ảnh: Wikipedia).

"Chúng tôi đã xem các báo cáo về thông báo của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết thực thi nguyên tắc phòng vệ tập thể của liên minh NATO", Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hôm 25/3.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi Tổng thống Putin thông báo, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nước láng giềng kiêm đồng minh của Moscow.

Ông Putin nói rằng, Nga đã chuyển giao một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho Belarus, quốc gia có biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Ông cho biết Nga sẽ bắt đầu quá trình huấn luyện sử dụng từ ngày 3/4 và dự kiến hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus vào ngày 1/7.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Belarus từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, do vậy "điều này không có gì bất thường". Ông Putin cũng khẳng định động thái này của Moscow tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhiều lần đề cập đến các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tại các nước châu Âu đối với Belarus.

Mỹ lên tiếng về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - 2

Vị trí của Belarus (Ảnh: DW).

Belarus có chung đường biên giới dài 1.085km với Ukraine và cách thủ đô của Ukraine tại điểm gần nhất chưa đầy 100km. Belarus cũng là đồng minh thân cận của Nga, cho phép Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ diễn tập quân sự từ trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine. 

Phương Tây nhiều lần cáo buộc Belarus sẽ điều quân đến Ukraine để tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow. Tổng thống Lukashenko từng tuyên bố, quân đội Belarus sẵn sàng chiến đấu cùng Nga nếu một nước khác tấn công Belarus. Ông Lukashenko khẳng định Nga và Belarus có lực lượng hiệp đồng quân sự, nhưng Moscow chưa bao giờ đề nghị Minsk tham gia cuộc chiến chống lại Ukraine. 

Nikolai Sokol, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Vienna, nhận định quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một động thái đáng chú ý của Nga.

"Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Vì vậy, bây giờ, họ đang thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn", chuyên gia Sokol cho biết.

Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân gọi thông báo của Tổng thống Putin là sự leo thang nguy hiểm. Theo tổ chức này, "trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu sai là rất cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc".

Theo Tass