1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin thông báo, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai ở Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay.

Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

"Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả, có thể mang vũ khí hạt nhân của chúng tôi. Vào ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện các nhóm vận hành và vào ngày 1/7, chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus", Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-24 hôm 25/3.

Tổng thống Putin giải thích rằng, quyết định của Nga được thúc đẩy bởi việc Anh cung cấp cho Ukraine vũ khí uranium nghèo.

Tổng thống Putin khẳng định, Tổng thống Belarus từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus, do vậy "điều này không có gì bất thường". Nhà lãnh đạo Nga cho rằng động thái này của Moscow tương tự việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

"Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh, các quốc gia NATO, ở châu Âu từ lâu. Và chúng tôi đã đồng ý (với Belarus) rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin nhấn mạnh.

Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie ngày 21/3 cho biết trong số đạn dành cho xe tăng chủ lực Challenger 2 mà nước này dự định chuyển cho Ukraine có đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo. "Loại đạn này hiệu quả cao trong việc tiêu diệt xe tăng và các phương tiện bọc thép", bà Goldie nói.

Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium để sử dụng làm nhiên liệu hoặc vũ khí hạt nhân. Mức độ phóng xạ của uranium nghèo chỉ bằng khoảng 60% phóng xạ của uranium tự nhiên. Tuy nhiên, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc mô tả đây là kim loại nặng độc hại về mặt hóa học và phóng xạ.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đáp trả việc Anh cung cấp đạn dược có chứa uranium cho Ukraine. "Tôi phải nói rằng chắc chắn Nga sẽ đáp trả. Chúng tôi có hàng trăm nghìn quả đạn như vậy. Chúng tôi hiện không sử dụng chúng", ông Putin nói.

Theo ông Putin, đạn uranium nghèo vẫn là vũ khí nguy hiểm nhất đối với con người và môi trường tự nhiên do bụi phóng xạ. "Vũ khí này có thể được xếp vào loại có hại và nguy hiểm nhất đối với con người, không chỉ đối với các binh sĩ hay những người tham gia chiến đấu, mà còn đối với môi trường và những người sống trên lãnh thổ đó", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhiều lần đề cập đến các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vào Belarus. Vào tháng 10 năm ngoái, ông Lukashenko đã lưu ý đến các cuộc đàm phán "chia sẻ hạt nhân" giữa Washington và Warsaw, cảnh báo rằng vũ khí hạt nhân có thể được đặt ở Ba Lan, nước có chung biên giới với Belarus.

"Minsk cần thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết mối đe dọa này", ông Lukashenko tuyên bố, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Moscow.

Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.

Theo RT