1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh đáng gờm của 4.300 xe tăng Triều Tiên

(Dân trí) - Dù sở hữu phần lớn dàn khí tài quân sự có công nghệ đã cũ và lỗi thời, nhưng nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra, lực lượng 4.300 xe tăng của Triều Tiên có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đang đồn trú tại đây, National Interest nhận định.

Xe tăng Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters)
Xe tăng Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters)

Ở thời điểm hiện tại, Washington đang gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng và không loại trừ khả năng có thể sử dụng vũ lực. Trong trường hợp chiến tranh bùng phát, Triều Tiên cũng không có ít lựa chọn để đáp trả bằng vũ khí thông thường, có thể gây nên độ sát thương cao.

Khi nhắc tới Triều Tiên, giới phân tích thường hay đề cập tới kho vũ khí hạt nhân nguy hiểm của nước này mà không chú ý tới một trong những lực lượng làm nên sức mạnh cho Triều Tiên. Đó là hỏa lực và các lực lượng đặc nhiệm, có thể gây thiệt hại vô cùng lớn cho Hàn Quốc. Nếu kịch bản chiến tranh xảy ra, lực lượng bộ binh của Triều Tiên sẽ là mối đe dọa lớn nhất mà Hàn Quốc và lực lượng Mỹ đồn trú tại đây phải đối mặt, chưa cần tính đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Với 70% bộ binh đóng ở phía nam ranh giới Bình Nhưỡng - Wonsan, Triều Tiên đang duy trì vị thế quân sự có thể thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Các loại pháo tự hành 170mm và hệ thống phóng đa tên lửa (MRLS) 240mm ở các vị trí chuyển tiếp có thể bất ngờ nã hỏa lực vào Seoul. Hệ thống phóng tên lửa (MRL) 300mm hiện đang trong quá trình phát triển thử nghiệm có thể vươn tới tận miền trung Hàn Quốc xét về tầm bắn tối đa”, National Interest trích Sách trắng Quốc phòng năm 2014 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Thêm vào đó, Triều Tiên có thể tăng cường hỏa lực bằng các hệ thống MLRS 122m được bố trí ở ven biển và tiền tuyến. Các khẩu đội pháo của Triều Tiên được giấu trong các hầm ngầm và được ngụy trang để tăng khả năng bám trụ khi giao tranh xảy ra. Hàn Quốc ước tính Triều Tiên có khoảng 8.600 ống pháo và 5.500 khẩu đội MLRS trong biên chế quân đội Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Triều Tiên hiện đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng thiết giáp, nhưng lính cơ giới không phải trọng tâm sức mạnh. “Quy trình hiện đại hóa khí tài cũng đang được đẩy mạnh, chẳng hạn như thay thế các xe tăng T-54 và T-55 bằng xe tăng Chonma-ho và Songun-ho”, theo sách trắng Hàn Quốc.

Giới chức Hàn Quốc cho hay Triều Tiên hiện có hơn 4.300 xe tăng và 2.500 xe bọc thép sẵn sàng hoạt động.

Ngoài sức mạnh về hỏa lực, các lực lượng đặc nhiệm và đội ngũ đông đảo và được đào tạo tác chiến bài bản cũng là mối đe dọa với liên quân Hàn Quốc, Mỹ. National Interest trích lời các quan chức quân đội Mỹ xác nhận điều này.

“Có khoảng 200.000 quân nhân trong lực lượng đặc biệt Triều Tiên. Lực lượng này có vai trò thâm nhập các khu vực cả trước và sau thu thập thông tin tấn công các cơ sở lớn, ám sát các nhân vật quan trọng và chủ chốt, làm nhiễu địa bàn hoạt động và phá vỡ các chiến dịch hỗn hợp”, Sách trắng Hàn Quốc nhận xét.

Chiến dịch thâm nhập được thực hiện thông qua các đường hầm ngầm, các vùng kiểm soát ở khu vực Phi Quân sự (DMZ), các tàu ngầm, trực thăng, máy bay vận tải cùng nhiều phương thức khác.

Theo National Interest, khi bước vào cuộc chiến, dù Triều Tiên yếu thế hơn về mặt công nghệ và thiết bị nhưng sức mạnh phá hủy của quân đội nước này là mối đe dọa nghiêm trọng tới Hàn Quốc và Mỹ.

Đức Hoàng

Theo National Interest