1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nước phương Tây và đồng minh NATO đã trang bị cho lực lượng Ukraine nhiều loại vũ khí và hệ thống chiến đấu nhằm giúp Kiev đẩy lùi cuộc tiến công của Nga.

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 1

Quân nhân Ukraine bắn vũ khí chống tăng NLAW trong một cuộc tập trận ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: AP).

Trong số những vũ khí do phương Tây viện trợ có vũ khí chống tăng vác vai, máy bay chiến đấu không người lái và hệ thống rocket phóng loạt - những vũ khí "thay đổi cuộc chơi" giúp Ukraine bảo vệ thủ đô Kiev vào đầu mùa xuân và kìm chân lực lượng Nga ở miền Đông vào mùa hè.

"Có một số hệ thống vũ khí mà các đối tác an ninh phương Tây cung cấp cho Ukraine đã đóng một vai trò quan trọng. Nếu không có sự hỗ trợ an ninh của phương Tây cho Ukraine, Nga có thể đã giành chiến thắng trong cuộc chiến", George Barros, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, nhận định.

Vũ khí chống tăng và phòng không vác vai

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 2

Một thành viên Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine sử dụng vũ khí chống tăng NLAW ở ngoại ô Kiev hồi tháng 3 (Ảnh: AP).

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các lực lượng Nga đã nhanh chóng tiến vào thủ đô Kiev sau nhiều tháng tập trung binh lính và khí tài dọc biên giới Ukraine. Tuy nhiên, trước sự kháng cự của Ukraine, quân đội Nga sau đó rút khỏi khu vực này và tái tập trung nỗ lực vào miền Đông Ukraine.

Trong những ngày và những tuần đầu xung đột, các tên lửa chống tăng vác vai như Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) do Anh cung cấp và tên lửa FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp đã trở thành khí tài quan trọng giúp Ukraine đối phó với lực lượng thiết giáp và xe tăng Nga.

Theo chuyên gia Barros, những vũ khí trên đóng vai trò "rất quan trọng trong việc cung cấp hỏa lực cho từng binh sĩ Ukraine, giúp họ đối phó với thiết giáp của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột".

Lầu Năm Góc ước tính Nga đã mất một nửa số xe tăng chiến đấu chủ lực ở Ukraine.

Một loại vũ khí vác vai quan trọng khác là FIM-92 Stinger, một hệ thống phòng không di động do Mỹ sản xuất. Chuyên gia Barros cho biết những vũ khí này có khả năng bắn hạ các trực thăng và máy bay tham gia chiến dịch không kích của Nga.

Cùng với một số vũ khí khác, như hệ thống pháo binh, các vũ khí hạng nhẹ này đã giúp lực lượng Ukraine bảo vệ thủ đô Kiev và các khu vực khác của Ukraine trong những ngày đầu xung đột.

Vũ khí nhỏ và đạn dược

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 3

Đạn pháo xung quanh xe tăng Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Mặc dù ít được chú ý hơn so với một số hệ thống vũ khí khác, nhưng một số loại vũ khí nhỏ và đạn dược đóng vai trò rất quan trọng đối với Ukraine trong thời kỳ đầu của cuộc chiến. Những vũ khí này được sử dụng để trang bị cho các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraine và các đơn vị bảo vệ lãnh thổ, cũng như một số dân thường.

"Đây không phải là hệ thống vũ khí phức tạp, nhưng sự hỗ trợ của chúng cũng rất quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, vì thời điểm đó vẫn chưa biết chính xác lực lượng Nga sẽ tiến xa đến đâu", chuyên gia Barros nhận định.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ vào cuối tháng 11/2022, Washington đã chuyển giao hơn cho Ukraine 11.000 súng phóng lựu và vũ khí nhỏ, cũng như hơn 104.000.000 viên đạn cho vũ khí nhỏ.

Các lực lượng của Kiev đã sử dụng nhiều loại vũ khí nhỏ, trong đó một số có nguồn gốc từ phương Tây và một số có nguồn gốc khác. Các vũ khí này bao gồm súng trường, súng tiểu liên, súng máy hạng nhẹ, súng bắn tỉa và súng ngắn được sản xuất trong và ngoài nước ở Áo, Israel và thậm chí cả Nga.

Máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar TB2

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 4

Các quân nhân Ukraine đẩy UAV Bayraktar TB2 trong cuộc tập trận Sea Breeze 2021 ở Mykolaiv, miền nam Ukraine (Ảnh: Ukrinform).

Khi cuộc chiến ở Ukraine chuyển sang giai đoạn mới, những trận pháo kích dữ dội và tiêu hao nặng nề đã nổ ra ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Trong giai đoạn này, máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã trở thành vũ khí quyết định cho lực lượng của Kiev.

Máy bay không người lái TB2 cho phép lực lượng Ukraine thực hiện các cuộc tấn công chính xác và nhắm mục tiêu vào các vị trí dễ bị tổn thương của Nga, đồng thời được sử dụng để phá hủy các thiết bị quân sự như xe tăng, pháo và xe chiến đấu bộ binh.

Theo chuyên gia Barros, "đây là một chiến thuật mà Ukraine đã sử dụng rất hiệu quả kể từ khi họ tiếp cận được các loại vũ khí chính xác có khả năng tấn công sâu vào các khu vực quan trọng dễ bị tổn thương của Nga".

Tên lửa diệt radar không đối đất HARM

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 5

Thủy quân lục chiến Mỹ nạp tên lửa AGM-88 lên một chiếc F/A-18C Hornet tại căn cứ không quân Andersen ở Guam (Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ).

Vào cuối mùa hè năm ngoái, Ukraine đã phát động một cuộc phản công chớp nhoáng ở vùng Kharkov, giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ từ Nga. Một vũ khí giúp Ukraine đạt được bước tiến này là tên lửa diệt radar tốc độ cao AGM-88 (HARM) do Mỹ cung cấp. Tên lửa không đối đất này có thể săn lùng và nhắm mục tiêu các hệ thống radar của đối phương.

Ukraine đã sử dụng những tên lửa này để đe dọa và cản trở các hệ thống và radar phòng không của Nga, trước khi tiếp tục triển khai các máy bay chiến thuật.

"Ukraine có thể sử dụng tên lửa HARM để tấn công các cơ sở phòng không của Nga trong khu vực tác chiến Kharkov", chuyên gia Barros nhận định.

Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)

Sức mạnh dàn vũ khí giúp Ukraine chặn lưới hỏa lực Nga - 6

Pháo phản lực HIMARS (Ảnh: AP).

Vũ khí được cho là nổi bật nhất giúp Ukraine xoay chuyển tình thế là Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.

Những hệ thống này, vốn được Ukraine săn đón nhiều, là các hệ thống rocket phóng loạt tầm xa có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa bằng đạn dược do Mỹ cung cấp. Với các rocket dẫn đường bằng GPS, HIMARS có thể nhắm mục tiêu vào các sở chỉ huy, kho đạn dược và cầu của Nga. HIMARS đảm bảo cho lực lượng Ukraine có tầm bắn vượt xa lựu pháo M777 Howitzers do Mỹ cung cấp trước đó.

Ukraine có thể sử dụng HIMARS để nhắm mục tiêu vào các kho đạn dược của Nga. Ngoài ra, HIMARS cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giành lại lãnh thổ của Ukraine ở khu vực Kherson. Kiev được cho là đã sử dụng vũ khí này để tấn công một số cây cầu làm gián đoạn tuyến hậu cần của Nga.

Theo Business Insider, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine