"Sóng ngầm" giữa đội cố vấn thân cận của ông Trump về chiến sự Ukraine
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ nói rằng các trợ lý thân cận nhất của ông Trump đang bất đồng về cách tiếp cận với cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn cấp cao đang bất đồng về việc liệu Moscow có thực sự muốn đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine hay không, Wall Street Journal ngày 14/4 dẫn nguồn ẩn danh, cho biết.
Một nhóm do Ngoại trưởng Marco Rubio và đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg dẫn đầu đang thúc đẩy cách tiếp cận hoài nghi hơn, bài báo cho biết.
Tuy nhiên, ông Trump lại đứng về phía đặc phái viên Steve Witkoff, người được cho là tin tưởng Nga nhiều hơn. Tuần trước, ông Witkoff đã gặp Tổng thống Vladimir Putin, sau khi 2 người từng tổ chức hội đàm hồi tháng 3.
Đây có thể là lý do tại sao ông Kellogg, người được bổ nhiệm phụ trách về cuộc chiến Nga - Ukraine lại vắng mặt trong các cuộc trao đổi với Moscow. Trong khi đó, ông Witkoff, người phụ trách khu vực Trung Đông, lại trở thành một trong những "cầu nối" giữa Nga và Mỹ.
Phía Moscow vẫn khẳng định họ luôn sẵn sàng đạt được các mục tiêu cốt lõi trong cuộc xung đột thông qua con đường ngoại giao.
Chính phủ Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận việc "đóng băng" cuộc chiến, vì điều đó chỉ dẫn tới nguy cơ tái diễn xung đột, đồng thời viện dẫn việc Ukraine vi phạm lệnh cấm tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng - do chính Mỹ đề xuất - để chứng minh Kiev không đáng tin cậy.
Ukraine cũng có động thái tương tự, khi cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn nhằm vào cơ sở năng lượng của phía Kiev. Giới chức Ukraine cũng nhiều lần nhấn mạnh họ không tin vào việc Nga muốn chiến sự khép lại.
Một ví dụ về việc ông Trump đứng về phía Witkoff được Wall Street Journal nhắc đến là vụ tấn công bằng tên lửa vào thành phố Sumy hôm 13/4, nơi Kiev cáo buộc Moscow cố tình nhắm vào dân thường, khiến 34 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, ông Trump gọi đây là một "sai lầm", trong khi Bộ Ngoại giao dưới quyền ông Rubio gọi vụ việc là "kinh hoàng", còn ông Kellogg thì cho rằng nó đã "vượt qua mọi ranh giới" về nhân đạo.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định tên lửa được phóng nhằm vào một "cuộc họp giữa các chỉ huy quân sự Ukraine và đồng minh phương Tây" đang giả dạng lính đánh thuê.
Bộ Quốc phòng Nga ước tính khoảng 60 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, đồng thời cáo buộc Kiev dùng dân thường làm "lá chắn sống" cho cuộc họp này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với CBS News hôm 13/4 rằng những lời chỉ trích của ông Trump nhằm vào ông là dấu hiệu cho thấy "các lý lẽ của Nga đang thắng thế tại Mỹ."
Trưởng đoàn đàm phán Nga Kirill Dmitriev, sau cuộc gặp với các quan chức Mỹ đầu tháng này, bày tỏ lo ngại rằng Washington đang dễ bị tác động bởi các nhóm vận động hành lang nước ngoài, đồng thời tố cáo truyền thông phương Tây đang tiến hành một chiến dịch phối hợp nhằm phá hoại quá trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước.
"Chúng tôi chứng kiến những nỗ lực xuyên tạc thông điệp của Nga, bôi nhọ nước Nga và các lãnh đạo của chúng tôi. Điều này diễn ra hàng ngày", ông Dmitriev tuyên bố, đồng thời khẳng định "đối thoại trực tiếp là cách hiệu quả nhất để đập tan các thông tin sai lệch".
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ hai với Fox News, ông Witkoff cho biết cuộc gặp gần 5 tiếng với ông Putin là "đầy thuyết phục" và khiến tiến trình hòa bình ở Ukraine đang "ở ngưỡng đột phá".