"Sợi dây" có thể tăng kết nối Mỹ - Triều trước thềm thượng đỉnh tại Hà Nội
(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng chính quyền Donald Trump nên thành lập một văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều vào cuối tháng này để tăng cường sự kết nối.
Khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần hai vào cuối tháng này, dư luận dành nhiều sự quan tâm về việc liệu Triều Tiên có những hành động cụ thể trong việc giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của nước này hay không. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đang diễn ra ở giai đoạn đầu, song vẫn chưa chắc chắn về việc liệu hai nước sẽ đi đến đâu và có thể đạt được kết quả gì.
Một trong những lý do dẫn tới sự thiếu chắc chắn của các cuộc đàm phán Mỹ - Triều là thông tin liên lạc giữa hai bên vẫn “nghèo nàn”, cùng với đó là những hiểu lầm từng xảy ra trước đây trong quan hệ song phương.
Theo Abby Bard, nhà nghiên cứu về Chính sách Quốc tế và An ninh Quốc gia tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Tổng thống Trump nên xem ý tưởng mở văn phòng đại diện của Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Abby Bard nhận định đây tuy chỉ là bước đi nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện các kênh liên lạc và góp phần xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tình trạng hiện nay trong quan hệ Mỹ - Triều là di sản của Chiến tranh Lạnh. Hai nước cho đến nay vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và kênh liên lạc chính vẫn là thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Trong khi đó, công dân Mỹ tại Triều Tiên vẫn phải trông cậy vào đại sứ quán Thụy Điển để đáp ứng các yêu cầu về lãnh sự.
Điều này có thể được cho là bình thường trong giai đoạn sau chiến tranh Thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi các nước chỉ được chọn Hàn Quốc hoặc Triều Tiên để thiết lập quan hệ dựa trên sự gần gũi về ý thức hệ. Tuy nhiên 70 năm sau đó, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã phát triển các mối quan hệ với những quốc gia mà trong quá khứ chỉ liên kết với bên còn lại.
Hiện nay, Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Triều Tiên cũng trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc kể từ năm 1991. Do vậy, việc Mỹ và Triều Tiên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức là một ngoại lệ bất thường, đi ngược với xu thế của thời đại.
Vai trò của văn phòng đại diện
Việc thiếu một văn phòng đại diện chính thức khiến các quan chức Mỹ và Triều Tiên gặp khó khăn hơn trong việc diễn giải các động thái cũng như các diễn biến chính trị của nhau. Nếu một nước buộc phải dựa vào các kênh hậu trường hay các tuyên bố trên truyền thông để phán đoán xem bên còn lại nghĩ gì, chắc chắn sẽ có lỗ hổng trong việc thấu hiểu lẫn nhau và lỗ hổng này có thể cản trở tiến trình ngoại giao. Ngoài ra, việc mở văn phòng đại diện cũng là cách dễ dàng để Mỹ và Triều Tiên cải thiện dòng chảy thông tin cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Một văn phòng đại diện sẽ đánh dấu sự hiện diện của phái đoàn ngoại giao đầu tiên trong lịch sử Mỹ trên lãnh thổ Triều Tiên. Văn phòng này sẽ tạo không gian cho các quan chức Mỹ và Triều Tiên bắt đầu thảo luận về các vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, tương tự văn phòng mà Mỹ từng mở tại Việt Nam trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ.
Khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên được thúc đẩy, các nhà ngoại giao Mỹ có thể làm việc trực tiếp với các đối tác Triều Tiên để làm rõ lập trường chính sách và thực thi các thỏa thuận được hai nhà lãnh đạo thống nhất. Những động thái quan trọng như phi hạt nhân hóa không thể đạt được nếu không có sự tin tưởng. Những cuộc gặp mặt trực tiếp với tần suất thường xuyên tuy quy mô nhỏ nhưng lại là cơ chế hữu hiệu để thiết lập và nuôi dưỡng lòng tin, vốn được xem là cốt lõi trong quan hệ ngoại giao.
Ngoài những lợi ích trên, việc thành lập một văn phòng đại diện cũng làm giảm nguy cơ xảy ra những hiểu lầm mà có thể đe dọa tới mối quan hệ hòa dịu mong manh giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu xảy ra một cuộc xung đột bất ngờ giữa các binh sĩ Triều Tiên và bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc với sự tham gia của các binh sĩ Mỹ, hay một sự cố nào đó trong cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn, sự hiện diện ngay lập tức của các đại diện ngoại giao Mỹ thường trú tại Triều Tiên có thể ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột.
Chẳng hạn, khi Tổng thống Trump dọa trút mưa “tên lửa và hỏa lực” xuống Triều Tiên vào năm 2017, nếu các nhà ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên có thể giải thích cho Bình Nhưỡng rằng đó chỉ là phong cách ngẫu hứng của ông chủ Nhà Trắng, căng thẳng giữa hai nước có thể đã không leo thang.
Thách thức mở văn phòng đại diện
Đương nhiên việc mở một văn phòng đại diện sẽ không tránh khỏi những thách thức. Mỹ có thể lo ngại về sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ cũng như sự bảo mật về thông tin của Mỹ tại Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Washington từng cáo buộc Bình Nhưỡng tấn công mạng.
Việc mở văn phòng đại diện cũng cần có sự tương tác qua lại, đồng nghĩa với việc Triều Tiên cũng phải mở văn phòng đại diện tại Washington D.C. Ngoài ra, việc mở văn phòng cũng bao gồm các cuộc đàm phán về những điều mà các nhà ngoại giao được phép và không được phép làm tại từng nước. Mỹ có thể học hỏi Thụy Điển, Canada và Đức để có kinh nghiệm tốt nhất trong việc đưa các nhà ngoại giao tới Triều Tiên.
Những người chỉ trích có thể lập luận rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên có thể phát đi những thông điệp sai lệch. Tuy nhiên, mở một văn phòng đại diện không đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân hay ủng hộ chính quyền Triều Tiên. Điều đó chỉ đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng hợp tác thường xuyên với Triều Tiên như với hàng trăm quốc gia khác. Nếu Mỹ muốn đạt được tiến triển với Triều Tiên, Washington cần đưa các nhà ngoại giao tới quốc gia Đông Bắc Á này.
Thành Đạt
Theo Diplomat