Dàn vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Từ chỗ thận trọng khi quyết định cung cấp loại vũ khí cho Ukraine, giờ đây phương Tây còn viện trợ các máy bay không người lái có khả năng phá hủy xe tăng của Nga.
Bất chấp cảnh báo của Nga, phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Moscow. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này đã công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD cho Ukraine.
Ban đầu, phương Tây tỏ ra khá thận trọng, chỉ cung cấp những vũ khí và trang bị đơn giản như mũ bảo hộ, áo chống đạn. Tuy nhiên, hiện giờ, trong các lô vũ khí viện trợ có cả máy bay không người lái có khả năng phá hủy xe tăng và khẩu pháo của Nga ở cách xa hàng chục km.
Hãng tin Guardian đã liệt kê những vũ khí nổi bật mà phương Tây cấp cho Ukraine những tuần qua.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2
Đây là máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và được cho là đã góp phần đáng kể giúp Ukraine cản đà tiến công của lực lượng Nga. Bayraktar TB2 cho thấy một số vụ tấn công vào các xe tăng và xe thiết giáp của Nga. Tuy vậy, hiệu quả của loại máy bay này giảm dần sau khi Nga thiết lập hệ thống phòng không ở chiến trường.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bán máy bay không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine từ năm 2019. Giới chức nước này từ chối tiết lộ số lượng đã bán, nhưng theo các ước tính độc lập, Ukraine có thể đã mua khoảng 50 chiếc.
Bayraktar TB2 có chiều dài 6,5m, sải cánh 12m, trọng lượng cất cánh tối đa 650kg, trọng tải hữu ích 150kg, được trang bị động cơ đốt trong Rotax 912 công suất 100 mã lực, tốc độ hành trình 130km/h, tốc độ tối đa 222km/h, trần bay 8.200m, thời gian bay 25-27 giờ, bán kính điều khiển từ trạm mặt đất 150km. Cấu hình tiêu chuẩn TB2 bao gồm mô-đun camera quang điện tử, mô-đun camera hồng ngoại, thiết bị, công cụ tìm kiếm và hệ thống điều khiển laser, được tích hợp phần mềm và hệ thống điều khiển tiên tiến. Nó có thể mang theo hai tên lửa chống tăng UMTAS (nặng 37kg, đường kính 160mm, tầm bắn 500-8.000m), cũng do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.
Máy bay không người lái Switchblade
Các nguồn thạo tin cho biết, trong lô vũ khí mới được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn cung cấp cho Ukraine có máy bay không người lái Switchblade. Đây là máy bay không người lái do công ty AeroVironment của Mỹ sản xuất và từng được bí mật chuyển đến Afghanistan năm 2010 để phục vụ cuộc chiến chống Taliban. Đến nay, Anh là quốc gia duy nhất được chính phủ Mỹ cho phép mua loại vũ khí này.
Hiện có hai mẫu máy bay không người lái mang tên Switchblade là Switchblade 300 và Switchblade 600. Chiếc Switchblade 300 được sử dụng để tấn công chính xác các mục tiêu đơn giản trên mặt đất, trong khi chiếc Switchblade 600 được sử dụng để tiêu diệt các xe bọc thép hoặc xe tăng.
Switchblade có kích thước nhỏ gọn, chiều dài chỉ khoảng 61 cm, trọng lượng 2,7 kg, giá khoảng 6.000 USD/chiếc. Máy bay không người lái này được gọi là Switchblade (dao gấp) vì có những cánh giống như lưỡi dao có thể bật ra khi phóng lên.
Theo thông số từ nhà sản xuất, Switchblade có thể bay với tốc độ 101 km/h, bay liên tục trong 40 phút và cự ly hoạt động khoảng 80 km. Nó có gắn camera cung cấp cho người vận hành hình ảnh hiển thị mục tiêu của khu vực tác chiến và hoàn toàn có thể thay đổi mục tiêu giữa hành trình. Switchblade rất khó bị radar đối phương phát hiện và có thể sử dụng để tấn công chính xác mục tiêu ở cách xa tới 11 km, thậm chí có thể phá hủy xe bọc thép và xe tăng. Switchblade 600 được ví như một "quả bom thông minh tự hành" có thể bay lòng vòng quanh mục tiêu chờ thời cơ tấn công.
Tên lửa Stinger
Trong lô vũ khí mới nhất mà Mỹ cấp cho Ukraine có 800 tên lửa phòng không Stinger cùng với hơn 600 tên lửa đã cam kết. Ngoài Mỹ, Đức cũng cam kết chuyển 500 tên lửa Stinger cho Ukraine.
Stinger do công ty General Dynamics của Mỹ phát triển. Hệ thống này được đưa vào trang bị cho quân đội Mỹ năm 1981 và hiện có trong trang bị của các lực lượng vũ trang 30 quốc gia. Cho đến nay, đã có 70.000 tên lửa được sản xuất.
FIM-92 Stinger là một hệ thống phòng không vác vai thường sử dụng cho bộ binh, nhưng cũng có thể sử dụng từ trên trực thăng với phiên bản tên lửa không đối không Stinger. Tên lửa này có tầm bắn từ 1.000 đến 8.000m, kíp chiến đấu 2 thành viên, có thể được triển khai nhanh chóng trên các nền tảng quân sự trong tình huống chiến đấu.
Stinger đã chứng minh khả năng chiến đấu trong bốn cuộc xung đột lớn và nhiều xung đột khu vực tại quần đảo Falklands, Afghanistan, Angola, Lybia, Chechen (Nga), Sri Lanka, Syria…
Tên lửa Javelin
Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng, sử dụng hình ảnh nhiệt để tìm kiếm mục tiêu. Trong lô vũ khí viện trợ gần đây nhất của Mỹ cho Ukraine cũng có 2.000 tên lửa loại này.
Javelin có tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, là một trong những hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại nhất của quân đội Mỹ với khả năng dẫn bắn vượt trội so với nhiều loại tên lửa.
Tên lửa Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng nó cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự, hoặc thậm chí cả khả năng bắn trực thăng. Javelin dài khoảng hơn một mét, được trang bị đầu đạn nổ cực mạnh, tầm bắn hiệu quả lên đến 5 km. Javelin được trang bị hệ thống đầu dẫn hồng ngoại có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.
Vũ khí chống tăng vác vai
Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ chuyển 6.000 vũ khí chống tăng vác vai AT4 cho Ukraine và đây là một phần trong gói viện trợ mới của Washington cho Kiev. Ngoài Mỹ, châu Âu cũng cung cấp hàng nghìn súng chống tăng AT4 cho Ukraine. Trong đó, Đức cam kết chuyển 1.000 súng, Na Uy chuyển 2.000 súng và Thụy Điển 5.000 súng.
Súng chống tăng AT4 do Thụy Điển sản xuất. Chúng được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ năm 1980 để thay thế cho súng chống tăng M72 LAW vốn tỏ ra yếu thế trước súng chống tăng RPG-7 của Nga. Hiện nay, AT4 được lựa chọn sử dụng bởi nhiều quân đội trên khắp thế giới. Ngoài Mỹ và Thụy Điển, súng chống tăng AT4 còn có mặt tại nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Phần Lan, Indonesia hay Hy Lạp...
AT4 có kích thước nhỏ gọn, độ tấn công chính xác cao, tầm bắn tối đa lên tới hơn 2 km. Vũ khí này có thể dùng để chống tăng, công phá các công sự, boongke.
Tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW
Anh đã chuyển hơn 3.600 tên lửa chống tăng tầm ngắn hạng nhẹ thế hệ mới hay còn gọi là NLAW cho Ukraine. NLAW dài 1.016 mm; có đường kính 150 mm; trọng lượng của toàn bộ tổ hợp 12,5 kg; tầm bắn hiệu quả 200-800 m; thời gian từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi bắn 5 giây.
NLAW dùng để tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu bọc thép hiện đại, cũng như các loại xe bánh lốp không bọc thép, xe máy và các hỏa điểm của đối phương. Giống như Javelin của Mỹ, NLAW có khả năng tấn công mục tiêu theo kiểu "đột nóc". Là sự kết hợp giữa súng chống tăng vác vai thông thường và hệ thống chống tăng tiên tiến có tầm bắn vài km, NLAW có biệt danh không chính thức "Javelin tầm gần".
Tên lửa phòng không Starstreak
Starstreak được quân đội Anh phát triển từ những năm 1980 với mong muốn vũ khí phòng không mới phải có kháng nhiễu tốt, tốc độ đạn đánh chặn cao và đặc biệt là kết cấu gọn nhẹ có thể sử dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau.
Đây là mẫu tên lửa vác vai đất đối không nhanh nhất thế giới với vận tốc sau khi khai hỏa lên tới 5.000 km/giờ. Tên lửa có tầm bắn 7.000m, chuyên tấn công máy bay và trực thăng ở tầm thấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói "dựa trên yêu cầu của Ukraine, Anh đã quyết định chuyển các tên lửa phòng không vác vai Starstreak cho quân đội nước này".