Slovakia chuyển "Rồng lửa" S-300 cho Ukraine, Mỹ đưa tên lửa sát vách Nga
(Dân trí) - Mỹ cam kết thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 do Slovakia gửi cho Ukraine bằng tổ hợp Patriot của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 8/4 thông báo Washington sẽ bố trí hệ thống phòng không MIM-104 Patriot ở Slovakia, một đồng minh NATO ở Trung Âu.
"Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ sẽ bố trí lại một hệ thống tên lửa Patriot, do các quân nhân Mỹ điều khiển, tới Slovakia", Bộ trưởng Austin thông báo.
"Chúng tôi hy vọng tổ hợp này và đội vận hành sẽ đến Slovakia trong những ngày tới. Thời gian triển khai vẫn chưa được ấn định, vì chúng tôi tiếp tục tham vấn ý kiến của chính phủ Slovakia về các giải pháp phòng không lâu dài hơn", ông Austin cho biết thêm.
Thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra sau khi Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này đã chuyển giao hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất cho Ukraine. Hai nước có chung đường biên giới ở châu Âu.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ đã gửi hệ thống Patriot để thay thế hệ thống S-300 được Slovakia gửi cho Ukraine, đồng thời đảm bảo an ninh của Slovakia.
"Tôi muốn cảm ơn chính phủ Slovakia vì đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân đề cập với tôi trong các cuộc trao đổi", Tổng thống Biden cho biết.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo tâm lý "tự mãn" trong phản ứng của NATO đối với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Theo ông Biden, khi quân đội Nga bố trí lại lực lượng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, ông đã chỉ đạo chính quyền Mỹ tiếp tục xác định và cung cấp cho quân đội Ukraine năng lực khí tài tiên tiến cần thiết để bảo vệ đất nước.
Mỹ đã vận chuyển hàng chục tỷ USD vũ khí và các khoản viện trợ quân sự khác cho Ukraine trong những tuần qua để hỗ trợ quân đội nước này đối phó chiến dịch quân sự của Nga. Một số đồng minh châu Âu của Mỹ cũng tham gia gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Rồng lửa" S-300 đã trải qua một số lần nâng cấp và cải tiến trong nhiều năm qua. S-300 có thể phá hủy mục tiêu ở khoảng cách tối đa 195 km, tùy thuộc vào loại tên lửa phòng không sử dụng.
S-300 là hệ thống phòng thủ tên lửa có thể hạ gục các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật tối tân được trang bị công nghệ tàng hình. S-300 cũng có thể đánh chặn các tên lửa hành trình Tomahawk - một trong những vũ khí tấn công chủ lực trên các tàu khu trục của Mỹ. Ngoài ra, S-300 cũng đủ khả năng đối phó với các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 2.500 km.
Trong khi Điện Kremlin bày tỏ hy vọng xung đột có thể kết thúc trong tương lai gần, Moscow cũng cáo buộc Kiev cản trở các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời cáo buộc phía Ukraine đang tìm cách trì hoãn thời gian và kéo dài xung đột. Nga cũng cảnh báo rằng việc các nước chuyển thêm vũ khí cho Ukraine sẽ càng kéo dài xung đột và các vũ khí này có thể trở thành mục tiêu của quân đội Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Eduard Heger nhấn mạnh rằng việc "tặng" hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 duy nhất của Slovakia cho Ukraine không đồng nghĩa với việc Slovakia tham gia vào cuộc chiến chống Nga, đồng thời khẳng định hệ thống này "hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ". Ông tuyên bố Slovakia sẽ không thỏa hiệp an ninh của nước này, đồng thời cam kết rằng hệ thống phòng không của họ sẽ sớm được bổ sung bởi "các đồng minh".
Giới chức Mỹ hôm 6/4 thông báo sẽ viện trợ các tên lửa chống tăng Javelin tổng trị giá 100 triệu USD cho Ukraine cùng với gói viện trợ 300 triệu USD cam kết tuần trước để giúp Kiev tăng cường năng lực phòng thủ.