1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu UAV Nga tái xuất, diệt tăng của Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Máy bay không người lái Orion của Nga đã tái xuất trên chiến trường, tiêu diệt xe tăng T-64BV của Ukraine ở Kursk bằng tên lửa Kh-UAV.

Siêu UAV Nga tái xuất, diệt tăng của Ukraine - 1

Nga giới thiệu UAV Orion-E tại ARMY-2024 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Siêu UAV Orion của Nga tái xuất

Quân đội Nga một lần nữa tung máy bay không người lái (UAV) Orion trở lại tham chiến và ngay lập tức nó đã tiêu diệt xe tăng T-64BV của Ukraine ở khu vực Kursk bằng tên lửa chống tăng Kh-UAV.

Tên lửa dẫn đường bằng laser Kh-UAV phóng đi từ UAV Orion, được phát triển trên cơ sở tên lửa 9M133 của tổ hợp chống tăng Kornet-D. Việc hiện đại hóa tên lửa đã được thực hiện từ khoảng năm 2021.

Tên lửa không đối đất có điều khiển Kh-UAV được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép nhẹ, đơn lẻ, nhỏ, cố định hoặc di chuyển tốc độ thấp, cũng như các mục tiêu trên mặt nước có trọng tải thấp ở vùng ven biển. Nó có thể được sử dụng cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện khí tượng bình thường và một phần khó khăn.

Công ty tên lửa chiến thuật Nga (KRTV) đã tiết lộ một số đặc điểm của tên lửa Kh-UAV như sau: Trang bị động cơ nhiên liệu rắn, đầu dò laser bán chủ động và đầu đạn phân mảnh nổ mạnh nặng 6kg; Khối lượng thuốc nổ là 3,2kg; trọng lượng chiến đấu toàn bộ 32kg; Kh-UAV có thể được phóng ở cự ly từ 2 đến 8km và từ độ cao tối đa 4km. Góc phương vị mục tiêu cho phép khi phóng là ± 10 độ.

Tên lửa được trang bị bốn cánh đuôi có tác dụng ổn định đường bay và bốn bánh lái ở mũi, cấu hình của nó tương tự như đạn pháo dẫn đường 152mm Krasnopol-M với đầu tự dẫn laser bán chủ động, được quân đội Nga sử dụng hiệu quả để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ trên chiến trường Ukraine.

Ban đầu, người ta dự định sử dụng tên lửa này trong các cuộc xung đột cục bộ như ở Syria hay Karabakh. Trong điều kiện như vậy, việc sử dụng Orion làm máy bay tấn công sẽ dễ dàng hơn, vì UAV có khả năng tuần tra trong thời gian dài. Đồng thời, nguy cơ rơi vào khu vực bị đe dọa của các hệ thống phòng không tầm thấp sẽ ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, cả quân đội Nga và Ukraine hiếm khi tạo ra những cơ hội như vậy. Ngoại lệ là cuộc tấn công của lực lượng Kiev vào khu vực Kursk trong hoàn cảnh được phòng không bảo vệ kém hơn nhiều so với các nơi khác.

Trong điều kiện như vậy, UAV trinh sát và tấn công tầm trung Orion của Nga mới có cơ hội tái xuất trên chiến trường và có thêm "cơ hội để nổi bật", khi tấn công xe bọc thép của đối phương. Ngoài ra, chi phí giờ bay của những chiếc UAV như vậy tương đối rẻ khi so sánh với máy bay có người lái. Quan trọng hơn, phi công không phải mạo hiểm mạng sống của mình.

UAV Orion của Nga tiêu diệt xe tăng Ukraine ở vùng Kursk (Nguồn Telegram).

UAV Orion biến thành thợ săn tàu không người lái trên biển

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng, Quân đội Ukraine đang dựa vào số lượng lớn tàu không người lái để tìm diệt Hạm đội Biển Đen Nga. Khi đó nhiều người chưa tin vào sức mạnh của hạm đội "muỗi" này, coi đó là sự "hoang tưởng".

Tuy nhiên, một năm sau, người ta thấy tuyên bố của Tổng thống Zelensky là đúng sự thật. Đỉnh điểm là trận tổng công kích vào các tàu của Hạm đội Biển Đen ở bên ngoài và ngay trong căn cứ ở Sevastopol vào ngày 29/10/2023. Mức độ thành công của nó có thể được đánh giá từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Về cấu trúc, những chiếc tàu không người lái (USV), là những chiếc thuyền máy được điều khiển từ xa, chứa đầy chất nổ cực mạnh, chúng phải đâm vào thân tàu đối phương để phát nổ. Đối với một lực lượng hải quân hiện đại, được trang bị các khí tài trinh sát, chỉ thị mục tiêu và liên lạc tối tân thì tàu không người lái như vậy sẽ khó gây ra mối đe dọa đáng kể.

Ở giai đoạn đầu, USV được phía Ukraine sử dụng với số lượng rất nhỏ, mỗi đợt chỉ 2-3 chiếc, tập kích những tàu chiến Nga đã tiến vào khu vực phía tây bắc Biển Đen. Vì các cuộc tấn công diễn ra vào ban ngày, với sự trợ giúp của súng máy hạng nặng và hệ thống pháo phòng không, thủy thủ đoàn của các tàu chiến hạng nhẹ của Hải quân Nga, đã có thể đánh trả thành công những chiếc USV này.

Mọi thứ thay đổi khi Ukraine, sau khi "ru ngủ" sự cảnh giác của các chỉ huy hải quân Nga, họ bắt đầu tấn công các tàu mặt nước của đối phương vào ban đêm với chiến thuật kiểu "bầy sói", gồm từ 15-20 chiếc USV cùng một lúc. Bất chấp sự kháng cự quyết liệt của thủy thủ đoàn, các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen Nga đã phải chịu những tổn thất nặng mà lẽ ra có thể tránh được.

Để bảo vệ tất cả những gì còn lại của những tàu chiến của Hạm đội Biển Đen trước mối đe dọa từ USV, tên lửa hành trình và đạn đạo của Ukraine, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đã quyết định sơ tán hạm đội này khỏi căn cứ chính ở Sevastopol đến các địa điểm xa xôi hơn ở Novorossiysk, Feodosia và thậm chí cả Abkhazia.

Phương tiện chủ yếu để chống lại tàu không người lái Ukraine của hải quân Nga, vẫn là súng máy gắn trên trực thăng của không quân hải quân như những ụ súng di động.

Đánh giá qua nhiều video, trực thăng săn USV phải hạ thấp độ cao, để xạ thủ có thể bắn trúng mục tiêu cơ động nhanh trên mặt nước. Và điều này khá nguy hiểm vì phía Ukraine đã bắt đầu thử nghiệm lắp đặt tên lửa phòng không vác vai trên USV của họ.

Sớm hay muộn, USV của Ukraine sẽ có thể tiêu diệt trực thăng Nga bay ra để đánh chặn. Bên cạnh đó, những chiếc trực thăng này có thời gian hoạt động ngắn trên không. Do vậy, sự xuất hiện của UAV Orion ở Biển Đen, mang lại hy vọng rằng một phương pháp hiệu quả tương đương nhưng an toàn hơn, để tiêu diệt những chiếc USV của đối phương.

Vừa qua, có thông tin về việc Hạm đội Biển Đen sử dụng máy bay không người lái trinh sát và tấn công tầm trung Orion, để đẩy lùi một cuộc tấn công bằng USV của Kiev. Sau hai năm rưỡi, Hạm đội Biển Đen cuối cùng cũng bắt đầu sử dụng UAV trong chống tàu không người lái. Vậy bước tiếp theo có thể là gì?

Nhiệm vụ chính trên bộ nhưng phát huy ưu thế trên biển

Thực tế là, hiện nay UAV tầm trung đang được yêu cầu nhiều hơn trong lực lượng không quân hải quân Nga. Còn trên bộ, những chiếc UAV Orion khá lớn sẽ không thể tồn tại, nó sẽ giống như số phận của UAV TB2 Bayraktar mà Ukraine đã mua của Thổ Nhĩ Kỳ.

Để trinh sát trên không ở chiều sâu lớn, lực lượng Moscow yêu cầu các UAV chiến lược tầm cao loại Altius với radar mảng pha quét điện tử chủ động độ phân giải cao hoạt động từ không phận Nga. Nhưng hiện giờ nó vẫn nằm trên giấy, mặc dù xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba.

Trên bầu trời Biển Đen, UAV Orion ở độ cao trung bình có khả năng phát huy tối đa tiềm năng không chỉ với vai trò máy bay trinh sát mà còn với vai trò là "máy bay khu trục".

UAV Orion có thể mang tên lửa không đối đất hạng nhẹ Kh-39, có trọng lượng 105kg, có tầm bắn tối đa 14,5km, được dẫn đường theo hai chế độ là "bắn và quên" và điều khiển trực tiếp của người trắc thủ. Phương pháp dẫn đường thứ hai rất quan trọng khi đánh chặn mục tiêu cơ động. Khả năng mang tải tới 200kg của UAV Orion, cho phép nó treo được 1-2 tên lửa loại này.

Có lẽ hiệu quả hơn nữa là việc sử dụng UAV tầm trung này làm phương tiện phóng các loại UAV tự sát tấn công lảng vảng khác, như Lancet hoặc Scalpels chẳng hạn. Bản thân những UAV nhỏ này, có khả năng bay lượn, cơ động và đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 40 đến 80km.

Do đó, một chiếc UAV Orion nếu trang bị các UAV tự sát trên, có thể hạ gục toàn bộ "bầy sói" USV của đối phương trong một nhiệm vụ chiến đấu, mà không gây nguy hiểm đến tính mạng như của các phi công trực thăng và mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine