Sau 2 thập niên chiến tranh, "bóng ma" IS và Al-Qaeda vẫn ám ảnh nước Mỹ
(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh đã dồn sức cho cuộc chiến trong 20 năm tại Afghanistan với mục tiêu đánh bại những kẻ khủng bố. Nhưng sau 2 thập niên, bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh nước Mỹ.
Cơn ác mộng thật sự khiến các chuyên gia chống khủng bố lo lắng ngay cả trước khi Taliban trở lại nắm quyền là: Afghanistan sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố, đặc biệt là Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Loạt đánh bom kép phối hợp, do một nhánh của IS nhận trách nhiệm gây ra ở khu vực sân bay Kabul, Afghanistan đã khiến ít nhất 13 binh sĩ Mỹ và gần 100 dân thường Afghanistan thiệt mạng, làm dấy lên lo ngại rằng cơn ác mộng đang dần trở thành hiện thực.
"Thật buồn và chán nản. Có vẻ như chúng (những nhóm khủng bố) đã hoạt động trở lại như bình thường, nhiều vụ đánh bom hơn, nhiều cuộc tấn công hơn. Bây giờ chúng ta phải đối phó với tất cả những mối đe dọa đó dưới chế độ của Taliban", Saad Mohseni, ông chủ Tolo, một trong những kênh truyền hình nổi tiếng nhất Afghanistan, nói.
20 năm hoạt động ở Afghanistan, Mỹ và các đối tác quốc tế nỗ lực tiêu diệt nhiều thành viên chủ chốt của Al-Qaeda và IS, ngăn chúng hoạt động mạnh mẽ và buộc chúng phải lui về cố thủ hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khủng bố cho biết, cả hai nhóm đều đã chứng minh được khả năng thích ứng và phát triển rộng khắp, liên tục tìm cách vươn vòi đến các điểm nóng mới trên toàn cầu.
Hai vụ đánh bom liều chết gần sân bay Kabul lần này càng nhấn mạnh sức tàn phá kinh hoàng của các nhóm này bất chấp nỗ lực của Mỹ. Và một câu hỏi đầy ám ảnh được đặt ra là liệu Taliban có thể giữ đúng lời hứa trọng tâm trong thỏa thuận với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào đầu năm 2020 rằng: Afghanistan sẽ không còn là mảnh đất cho các cuộc tấn công chống lại Mỹ và các đồng minh.
Sự tiếp quản chớp nhoáng của Taliban hầu như không đảm bảo rằng, tất cả các phiến quân ở Afghanistan đều nằm trong tầm kiểm soát của nhóm này. Chi nhánh của IS ở Afghanistan, được gọi là ISIS-K, là một đối thủ đáng gờm dù quy mô và vị thế nhỏ hơn nhiều. ISIS-K đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công ở Afghanistan trong năm nay nhằm vào dân thường, quan chức và chính Taliban.
IS nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda
Trong khi các chuyên gia về khủng bố nghi ngờ các phần tử IS ở Afghanistan đủ sức mở các cuộc tấn công quy mô lớn chống lại phương Tây, nhiều ý kiến cho rằng, IS hiện còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda ở nhiều khu vực trên thế giới.
Chuyên gia Hassan Abu Hanieh về các phong trào Hồi giáo tại Viện Chính trị và Xã hội ở Amman (Jordan), nhận định: "Rõ ràng IS là mối đe dọa lớn hơn ở Iraq và Syria, ở châu Á hoặc châu Phi. IS thu hút các thế hệ phiến quân mới hơn".
Chỉ 1 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công ở sân bay Kabul, các quan chức Mỹ đã cảnh báo về các mối đe dọa cụ thể từ IS, như khả năng những kẻ đánh bom liều chết IS trà trộn vào đám đông bên ngoài sân bay Kabul.
Mối đe dọa này được xem là yếu tố chính khiến Tổng thống Biden quyết định rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi quốc gia Nam Á này đúng vào thời hạn chót vào ngày 31/8. "Mỗi ngày còn ở đó là mỗi ngày chúng tôi biết ISIS-K đang tìm cách nhắm mục tiêu vào sân bay, tấn công cả lực lượng Mỹ và đồng minh cũng như dân thường vô tội", ông Biden nói hôm 25/8.
Ra đời vào năm 2015, ISIS-K đã gia tăng đáng kể tốc độ các cuộc tấn công trong năm nay, báo cáo của Liên hợp quốc cho biết. Số lượng thành viên của nhóm này đã giảm xuống còn khoảng 1.500-2.000, chỉ khoảng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2016 trước khi Mỹ mở các cuộc không kích rầm rộ cùng với các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của nhóm này thiệt mạng.
Nhưng kể từ tháng 6/2020, nhóm này có chỉ huy mới đầy tham vọng, Shahab al-Muhajir, người đang cố gắng tuyển mộ các chiến binh Taliban bất mãn và các phần tử binh khác. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, ISIS-K "vẫn hoạt động và rất nguy hiểm".
IS tại Afghanistan hoạt động xung đột với Taliban, đặc biệt là ở miền đông Afghanistan, và IS gần đây đã lên án việc Taliban tiếp quản Afghanistan. Một số nhà phân tích nói rằng, các chiến binh Taliban thậm chí đã đào thoát để gia nhập IS ở Afghanistan, giúp ISIS-K có thêm nhiều chiến binh kinh nghiệm.
Trong khi đó, Al -Qaeda cũng đã thay đổi đáng kể từ khi thủ lĩnh Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt vào năm 2011. Al -Qaeda cũng đã lập các chi nhánh ở Yemen, Iraq, Syria và một số khu vực của châu Phi và châu Á nhưng hoạt động yếu dần. Thủ lĩnh hiện tại của nhóm, Ayman al-Zawahri, đã nhiều tuổi, được cho là đang ốm và sống ở một nơi nào đó ở Afghanistan, sau khi không thể so sánh được với tầm vóc của Osama Bin Laden.
Nhìn chung, Al-Qaeda đã không duy trì quyền kiểm soát hoạt động đối với các chi nhánh của mình như IS. IS cũng khiến các thành phố trên khắp thế giới khiếp sợ với các cuộc tấn công "con sói đơn độc".
Nhưng Al-Qaeda và IS thực tế vẫn rất đáng sợ khi liên tục cạnh tranh để tuyển mộ và cung cấp tài chính cho các chiến binh hoạt động ở Afghanistan, Syria và các nơi khác.
Khi Mỹ rút quân và Taliban mở rộng quyền kiểm soát, Afghanistan bây giờ có nguy cơ trở thành chiến trường chính của các nhóm khủng bố.