1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sáng kiến Vành đai và Con đường: Món quà đi kèm điều kiện

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ bẫy nợ đối với các quốc gia nhận viện trợ, song nó cũng góp phần thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng tại châu Á và thúc đẩy thương mại toàn cầu.


Một báo cáo ở Pháp nói rằng, hơn 90% nguồn thu từ dự án cảng Gwadar ở Pakistan trong vòng 40 năm tới sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Một báo cáo ở Pháp nói rằng, hơn 90% nguồn thu từ dự án cảng Gwadar ở Pakistan trong vòng 40 năm tới sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch tham vọng mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013 nhằm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua mạng lưới các cảng biển, đường cao tốc và đường sắt.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD dưới dạng các khoản vay và tạo ra khoản nợ khổng lồ cho nhiều quốc gia. Điều này khiến Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích trên mọi khía cạnh, từ nguy cơ “bẫy nợ” đặt ra cho các nước nhận viện trợ cho tới việc không thuê các lao động địa phương làm việc cho các dự án của Bắc Kinh.

Trong cuộc họp tại Bali, Indonesia tuần này, các quan chức từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thừa nhận những lo ngại về tác động tiêu cực của Sáng kiến Vành đai và Con đường, song cũng không thể phủ nhận vai trò của sáng kiến này trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia.

“Sáng kiến này đã mang lại những cơ hội rất lớn: cơ sở hạ tầng được cải thiện đồng nghĩa với việc gia tăng về hoạt động thương mại, đầu tư và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn tại các khu vực”, Caroline Freund, giám đốc khối phụ trách thương mại, liên kết khu vực và môi trường đầu tư thuộc Ngân hàng Thế giới, nhận định.

Tuy nhiên theo bà Freund, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng tồn tại những thách thức, bao gồm các nguy cơ về môi trường, xã hội, các vấn đề liên quan tới nợ công do các dự án được triển khai đều có kinh phí rất lớn.

Ngân hàng Thế giới ước tính mạng lưới cơ sở hạ tầng do Sáng kiến Vành đai và Con đường hỗ trợ có thể thúc đẩy thương mại giữa các nước nhận viện trợ tăng lên 3,6% còn thương mại toàn cầu tăng lên 2,4%. Các chuyên gia cũng cho rằng sáng kiến của Trung Quốc đã hỗ trợ cho những lĩnh vực thực sự cần thiết.

Nỗi lo bẫy nợ

“Một số quốc gia, đặc biệt ở khu vực Trung Á và Caucasus đã được hưởng lợi (từ Sáng kiến Vành đai và Con đường) để cải thiện cơ sở hạ tầng của họ cũng như thúc đẩy thương mại giữa các khu vực. Trung Á được hưởng lợi từ các khoản đầu tư bổ sung, từ đó dẫn tới quá trình liên kết khu vực chặt chẽ hơn”, Jihad Azour, giám đốc phụ trách Trung Đông và Trung Á tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định.

Tuy vậy, ông Jihad cũng kêu gọi các nước cần “chi tiêu” cẩn trọng, hối thúc các quá trình trao đổi “minh bạch” và cảnh báo các nước nên duy trì “tính ổn định về nợ. Trong vòng 5 năm qua, các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đã vượt qua con số 60 tỷ USD, khiến một số nước nhận viện trợ gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả.

Trung tâm Phát triển toàn cầu cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc đã làm gia tăng “đáng kể” nguy cơ khủng hoảng nợ tại 8 quốc gia gồm: Mông Cổ, Lào, Maldives, Montenegro, Pakistan, Djibouti, Tajikistan và Kyrgyzstan.

Tuy nhiên bà Freund nhận định 8 nước trên chỉ là trường hợp ngoại lệ và các khoản vay từ Trung Quốc chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng số các khoản nợ mà hầu hết các nước trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đang phải gánh.

“Hầu hết các nước mượn tiền từ Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đều có điều kiện tài chính tương đối ổn định và không có nguy cơ khủng hoảng nợ quá cao. Chỉ có một số ít quốc gia phải đối mặt với những mối lo ngại nghiêm trọng”, David Dollar, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings và là cựu quan chức Ngân hàng Thế giới nhận định.

Phục vụ lợi ích của Trung Quốc

Những nước nhận khoản vay từ Trung Quốc song không đáp ứng được cam kết có thể phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng. Sri Lanka là một ví dụ khi nước này phải nhượng quyền quản lý một cảng nước sâu cho Trung Quốc trong 99 năm do không thể trả các khoản nợ trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Hồi tháng 8, Malaysia đã hành động kịp thời khi hủy 3 dự án do Trung Quốc hỗ trợ, gồm dự án đường sắt 20 tỷ USD, do nhận thấy không đủ khả năng chi trả.

Phát biểu tại cuộc họp tại Bali, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zou Jiayi cho biết: “Chính phủ Trung Quốc coi trọng sự ổn định, chúng tôi là những người cho vay. Nhưng Sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là chương trình viện trợ. Đây không phải kế hoạch Marshall, mà một sáng kiến phát triển dựa trên cơ chế thị trường và được thúc đẩy bởi các động lực từ thị trường”.

Tuy vậy, nhiều người vẫn hoài nghi về cái gọi là động lực thị trường của Trung Quốc khi hầu hết các dự án do Trung Quốc rót vốn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường đều do các công ty Trung Quốc thực hiện và sử dụng người lao động Trung Quốc.

Một báo cáo tài chính của Pháp được công bố tuần này đã ca ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường vì đã khắc phục những điểm yếu về cơ sở hạ tầng trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng chỉ 3,4% các dự án do Trung Quốc rót vốn được thực hiện bởi các công ty nước ngoài, còn lại đều do các công ty Trung Quốc đảm nhận. Theo báo cáo, 91% doanh thu thu được từ dự án cảng Gwadar tại Pakistan sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc trong vòng 40 năm tới.

Theo Thứ trưởng Zou, việc các dự án do Trung Quốc rót vốn ở nước ngoài sử dụng nhiều lao động Trung Quốc chỉ đơn giản để đảm bảo sự hiệu quả về kinh phí. Tuy nhiên, quan chức Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tận dụng nguồn lao động tại địa phương.

Thành Đạt

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm