1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ lập “vòng vây” kiềm tỏa Vành đai và Con đường của Trung Quốc

(Dân trí) - Mỹ đang tập hợp các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để tạo thành một liên minh đối phó tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tổng quan Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Hợp tác với Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

Sau khi ký thỏa thuận với các cơ quan phát triển tài chính nước ngoài của Nhật Bản và Australia, Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Mỹ (OPIC) “đang thảo luận với Ấn Độ” để đạt được một biên bản ghi nhớ với Ấn Độ. Thông tin trên do Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành OPIC Ray Washburne chia sẻ với báo South China Morning Post hôm qua 24/9.

Theo ông Washburne, nếu được ký kết, thỏa thuận với Ấn Độ cũng sẽ mang những nội dung tương tự các thỏa thuận mà Mỹ từng ký trước đó với Nhật Bản và Australia.

Quan hệ đối tác dựa trên thỏa thuận với Mỹ sẽ cho phép Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đẩy nhanh quy trình thực hiện các dự án đầu tư chung trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải, du lịch và hạ tầng công nghệ. Các khoản đầu tư này sẽ thu hút thêm nguồn vốn tư nhân vào các dự án và trong một số trường hợp, nguồn vốn tư nhân thậm chí cao hơn gấp nhiều lần so với nguồn ngân sách của các chính phủ.

OPIC là cơ quan liên chính phủ phụ trách phân bổ nguồn vốn tư nhân của Mỹ vào các dự án phát triển ở nước ngoài dưới hình thức các khoản vay, quỹ và bảo hiểm chính trị. Tầm ảnh hưởng của OPIC tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trên đà tăng lên sau khi dự luật Khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển 2018 (BUILD) được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 7. Dự luật BUILD sẽ trao cho OPIC thẩm quyền đầu tư vào các dự án phát triển, thay vì chỉ cung cấp các khoản vay như hiện nay.

Nếu được Thượng viện thông qua và được Tổng thống Donald Trump ký thành luật chính thức, OPIC sẽ được đổi tên thành Tập đoàn tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC) và số tiền OPIC có thể sử dụng để viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 60 tỷ USD.

Mối quan hệ đối tác 3 bên mà OPIC vừa phát triển với Nhật Bản và Australia là một phần của kế hoạch mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây gọi là “Tầm nhìn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương” nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á. Hạ nghị sĩ bang Florida Ted Yoho, người ủng hộ cho dự luật BUILD tại Hạ viện, cho rằng dự luật này là cần thiết để đối phó với một Trung Quốc “bành trướng”.

Theo ông Yoho, việc Mỹ đưa Ấn Độ vào mối quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là cách để “kết nối” những người có cùng lập trường phản đối những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề xuất.

“Nhớ lại phát biểu của ông Tập Cận Bình và đại hội đảng lần thứ 19 của Trung Quốc hồi tháng 10/2017, khi đó ông Tập nói rằng đã đến lúc Trung Quốc giành vị trí trung tâm trên trường quốc tế. Đây là những phát biểu đáng quan ngại. Ông ấy không muốn chia sẻ, mà muốn kiểm soát trường quốc tế”, nghị sĩ Yoho nói.

Thách thức từ liên minh

Từ trái qua phải: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Ảnh: AAP)
Từ trái qua phải: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Ảnh: AAP)

Cách đây 5 năm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng các liên kết về kinh tế, chính trị và văn hóa dọc khu vực châu Á, đồng thời kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu. Sáng kiến này khởi nguồn từ Quỹ Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD của chính phủ Trung Quốc.

Myanmar là một trong những nước đang bị mắc kẹt trong các dự án phát triển kinh tế do Trung Quốc và Mỹ viện trợ.

Tập đoàn nhà nước Trung Quốc Citic Group đã chi khoảng 1,3 tỷ USD cho giai đoạn đầu tiên của dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu ở rìa phía tây của bang Rakhine, Myanmar. Dự án này sẽ cho phép các tàu chở dầu lớn hơn tiếp cận cảng.

Trong khi đó, theo thông tin trên trang web của OPIC, cơ quan này cũng lên kế hoạch cung cấp 250 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho công ty Apollo Towers Myanmar phát triển các tháp viễn thông trên khắp đất nước Myanmar. Apollo từng xây dựng 1.800 tháp kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2014 và dự kiến sẽ xây dựng hơn 2.000 tháp khác trong giai đoạn tiếp theo của dự án.

Tuyên bố chung về việc phát triển dự án 3 bên Mỹ - Australia - Nhật Bản không đề cập tới Trung Quốc hay Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, có rất nhiều nội dung trong tuyên bố này được cho là ngầm ám chỉ Bắc Kinh. Trong tuyên bố, cả 3 nước bày tỏ mong muốn “huy động các khoản đầu tư vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm cơ hội và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa và thịnh vượng”.

“Các khoản đầu tư tốt sẽ bắt nguồn từ sự minh bạch, sự cạnh tranh công khai, sự ổn định, tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu, tuyển dụng lao động địa phương và tránh tạo ra gánh nặng nợ nần không thể chi trả cho các nước”, tuyên bố chung cho biết.

Theo chuyên gia phân tích Peter Cai thuộc Viện nghiên cứu Lowy, cả Mỹ, Australia và Nhật Bản đều đang “bật” tín hiệu rằng họ muốn cạnh tranh với Trung Quốc bằng cách đề xuất cho các quốc gia khác thêm một lựa chọn viện trợ.

“Đây là cách các nước phối hợp đáp trả Vành đai và Con đường. Nhiều quốc gia đang phát triển phải gánh những khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc. Nếu đọc tuyên bố chung (của Mỹ - Australia - Nhật Bản), một điều có thể thấy rõ là sáng kiến của họ nhằm giải quyết vấn đề này”, chuyên gia Peter nhận định.

Mỹ - Australia - Nhật Bản có thể sẽ không dễ dàng khi triển khai kế hoạch đối phó Trung Quốc. Để cạnh tranh với các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh, vấn đề đặt ra là cả Mỹ, Australia và Nhật Bản đều phải rót rất nhiều tiền. Hiện cả 3 nước đều chưa công bố họ sẵn sàng đóng góp bao nhiêu cho kế hoạch này.

Mỹ có tiềm lực kinh tế, tuy nhiên Mỹ cũng đang gánh những khoản nợ không nhỏ. Ngoài ra, Mỹ cũng phải đối mặt với thách thức từ việc nâng cấp chính mạng lưới cơ sở hạ tầng trong nước. Theo chuyên gia Peter Cai, ông không thực sự tin rằng Mỹ “có ý chí chính trị” cũng như nguồn lực để “rót tiền” vào các dự án ở nước ngoài, nếu xét đến các khoản thâm hụt thương mại của Mỹ hiện nay cũng như việc Tổng thống Trump không muốn lấy tiền đóng thuế của người dân Mỹ để rót vào các dự án ở nước ngoài.

So với Mỹ, Australia có “động lực chính trị” nhiều hơn, song tiềm lực kinh tế của Australia nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Do vậy, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, có thể sẽ là nước đóng vai trò chủ đạo và đóng góp nhiều hơn cho các dự án phát triển chung.

Thành Đạt

Theo SCMP, ABC