Sai lầm khiến lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine hỗn loạn trước khi xung trận
(Dân trí) - Lữ đoàn cơ giới 155 của Ukraine được kỳ vọng sẽ là đội quân tinh nhuệ để đối phó Nga nhưng trên thực tế đơn vị này đã rơi vào hỗn loạn dù chưa chiến đấu.
Một lữ đoàn mới của Ukraine, được trang bị xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và pháo Caesar của Pháp, đã gặp phải thách thức khổng lồ ngay trước khi ra đến mặt trận.
Trong những tháng qua, Nga cử lực lượng hùng hậu tiến sát Pokrovsk, một thành phố chiến lược ở vùng Donetsk của Ukraine. Trước áp lực từ cuộc tấn công của Nga kéo dài hơn một năm, quân đội Ukraine đã điều lực lượng tăng viện, trong đó có Lữ đoàn cơ giới 155 vừa được thành lập.
Tuy nhiên, lữ đoàn mới này gặp phải vấn đề lớn trong quá trình chuẩn bị. Với quy mô dự kiến hơn 5.800 binh sĩ, vượt xa hầu hết các lữ đoàn chiến đấu khác của Ukraine, nhưng trong 9 tháng huấn luyện tại Ukraine, Ba Lan và Pháp, khoảng 1.700 binh sĩ đã đào ngũ. Thậm chí, đến tháng 11, gần 500 binh sĩ vẫn chưa quay lại đơn vị.
Theo chuyên gia Tatarigami, người sáng lập nhóm phân tích Frontelligence Insight tại Ukraine, nguyên nhân chính của sự việc này là nỗ lực bất thành về tổ chức và lãnh đạo.
Các quan chức quân sự cấp cao của Ukraine đã sai lầm khi ưu tiên thành lập các lữ đoàn mới (ít nhất 14 lữ đoàn) mà không bổ sung lực lượng và trang bị cho các lữ đoàn kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.
Tuy nhiên, các lữ đoàn mới này thường thiếu sự chỉ huy hiệu quả, trang bị không đầy đủ và phần lớn là tân binh chưa qua đào tạo chuyên sâu. Mặt khác, nhiều quân nhân trong lữ đoàn 155 là những người bị ép phải nhập ngũ, vì vậy, tinh thần chiến đấu của họ không cao, dẫn tới việc rời bỏ hàng ngũ tràn lan.
Ngoài ra, do kinh nghiệm chiến đấu không đủ nên khi tham chiến gần "chảo lửa" Pokrovsk, Lữ đoàn 155 chịu thiệt hại nặng, mất nhiều binh sĩ và xe tăng.
Trung tá Bohdan Krotevych, tham mưu trưởng Lữ đoàn Azov thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, nhận xét rằng việc thành lập các lữ đoàn mới thay vì củng cố các lữ đoàn hiện có là sai lầm về mặt quân sự. Ông đặt câu hỏi: "Có sáng suốt hay không khi tạo ra các lữ đoàn mới và trang bị cho họ, trong khi các lữ đoàn hiện có vẫn chưa đầy đủ vũ khí và quân nhân?".
Nhà báo chiến trường Ukraine Yuriy Butusov chỉ trích rằng lãnh đạo quân sự và chính trị của Ukraine đã "đánh cược với Lữ đoàn 155, mà không cố gắng chuẩn bị và huấn luyện một cách có hệ thống, cũng như không để các chỉ huy của lữ đoàn có thời gian xây dựng một đội quân sẵn sàng chiến đấu".
Vì vậy, Lữ đoàn cơ giới 155, một trong những đơn vị hiếm hoi sở hữu các thiết bị hiện đại từ phương Tây, đã không thể phát huy hết tiềm năng do những vấn đề từ tổ chức, lãnh đạo và chiến lược.
Dù vậy, việc thành lập lữ đoàn mới không chỉ đơn thuần là vấn đề quân sự, mà còn liên quan đến chính trị. Ukraine đang chịu áp lực phải chứng minh với các đồng minh rằng nước này vẫn có đủ nguồn lực và quyết tâm tiếp tục chiến đấu. Việc lập ra lữ đoàn mới dường như là bằng chứng cho các nước phương Tây rằng Ukraine vẫn đang đưa lực lượng ra tiền tuyến để đối phó Nga.
Vụ việc này là một bài học quan trọng cho Ukraine trong việc cân nhắc giữa nhu cầu chính trị và hiệu quả quân sự thực tế trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt với Nga.