1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi giằng xé của những binh lính Ukraine trốn khỏi hàng ngũ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài nhiều năm không có hồi kết và lo ngại nguy cơ thiệt mạng trong chiến sự, hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã chọn cách đào ngũ.

Nỗi giằng xé của những binh lính Ukraine trốn khỏi hàng ngũ - 1

Binh sĩ Ukraine trong một hoạt động huấn luyện (Ảnh: Reuters).

Oleksandr đã rời khỏi mặt trận ở miền Đông Ukraine sau khi chứng kiến các đồng đội của mình bị thiệt mạng trong các đợt ném bom của Nga suốt 6 tháng. Sau đó, những người còn lại được lệnh phản công.

Đây là giới hạn cuối cùng đối với Oleksandr, 45 tuổi, người đã bảo vệ tiền tuyến ở khu vực Lugansk từ những tháng đầu của cuộc chiến. Ngay cả sĩ quan chỉ huy của anh cũng không muốn phải điều động các binh sĩ quay lại nơi mà họ có nguy cơ lớn sẽ mất mạng.

Vì vậy, khi Oleksandr thấy cơ hội để cứu mạng mình, anh đã nắm bắt.

"Chúng tôi muốn được sống. Chúng tôi không có kinh nghiệm chiến đấu. Chúng tôi chỉ là những người lao động bình thường đến từ các làng mạc", binh sĩ trên nói với AFP.

Quyết định của Oleksandr và những binh sĩ khác đang gây ra thách thức cho quân đội Ukraine khi cuộc chiến tiêu hao với Nga chưa có hồi kết. Ngoài ra, Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển mộ binh lính mới.

Các vấn đề về nhân lực này tạo thành một rào cản lớn đối với Ukraine, khi họ đang mất dần lãnh thổ vào tay Nga với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến vào tháng 2/2022.

Vào tháng 9, binh sĩ 24 tuổi, Sergiy Gnezdilov, thông báo trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng anh sẽ rời đơn vị để phản đối việc phải chiến đấu liên tục mà không được nghỉ ngơi.

"Từ hôm nay, tôi sẽ bỏ trốn sau 5 năm chiến đấu, cho đến khi các luật (về thời gian chiến đấu) được xác định hoặc cho đến khi tôi tròn 25 tuổi", anh viết.

Cơ quan điều tra nhà nước mô tả tuyên bố của anh là "vô đạo đức" và cho rằng nó có lợi cho Nga. Anh bị giam giữ và có thể đối mặt với án tù lên đến 12 năm.

Số liệu công bố từ văn phòng công tố viên Ukraine cho thấy hơn 90.000 vụ án đã được mở về các trường hợp binh sĩ bỏ đi không xin phép hoặc đào ngũ kể từ năm 2022, với sự gia tăng mạnh trong năm qua.

Trở lại chiến trường

Oleksandr cho biết sau khi rời khỏi mặt trận, anh gần như không nhớ gì về năm tháng anh sinh sống tại khu vực Lviv vì những chấn thương tâm lý mà anh phải chịu trong thời gian tham chiến.

Anh "chủ yếu uống rượu" để xử lý những cơn ác mộng mà anh đã chứng kiến, nhưng cảm giác tội lỗi vẫn ngày càng tăng lên.

Cuối cùng, anh quyết định trở lại chiến đấu sau khi thấy những thanh niên Ukraine gia nhập quân đội hoặc các binh sĩ bị thương trở lại chiến trường, dù gia đình anh đã khẩn thiết khuyên can.

Cũng chính là cảm giác tội lỗi đã khiến Buch quyết định trở lại chiến trường. Binh sĩ 29 tuổi này đã đào ngũ sau khi bị thương trong những trận chiến ác liệt ở miền Nam Ukraine vào cuối năm 2022 ở Kherson.

"Chỉ việc ở dưới những đợt pháo kích liên tục cũng dần dần làm tổn hại tâm lý của bạn. Bạn trở nên phát điên dần dần. Bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, căng thẳng rất lớn", anh nói về quyết định đào ngũ ban đầu.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt quân số, các nhà lập pháp Ukraine vào tháng 8 đã phê duyệt ân xá cho những người đào ngũ lần đầu tiên nếu họ tự nguyện trở lại đơn vị.

Cả hai lữ đoàn 47 và 53 vào tháng 12 đã thông báo rằng họ sẽ chào đón những binh sĩ đã rời mặt trận mà không được phép quay trở lại, với lời nhắn: "Chúng ta đều mắc sai lầm."

Các công tố viên cho biết vào đầu tháng 12 rằng đã có 8.000 binh sĩ bỏ đi hoặc đào ngũ quay lại trong tháng 11 vừa qua.

Mặc dù vậy, chỉ huy của Lữ đoàn Tấn công Đặc biệt 1 Siver cũng cho biết số lượng binh sĩ Ukraine bỏ trốn khỏi chiến trường mà không được phép đang tăng lên. Điều này một phần là vì nhiều binh sĩ nhiệt huyết nhất đã thiệt mạng hoặc bị thương.

"Không phải ai cũng sẵn sàng chiến đấu", Siver nói, cho biết quan niệm của anh về sự dũng cảm đã thay đổi khi chứng kiến những người đứng vững trên tuyến đầu và những người bỏ chạy.

"Có ngày càng nhiều người chọn rời đi", anh nói với AFP, viện dẫn chiến dịch huy động quân đội gây tranh cãi của Ukraine. Nhiều người đã bị ép nhập ngũ dẫn tới họ không có nhuệ khí và mất tinh thần.

Tuy nhiên, những binh sĩ khác được AFP phỏng vấn cho rằng nếu Ukraine thay đổi hệ thống trong văn hóa quân đội và trong cách thức lãnh đạo, điều đó có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đào ngũ.

Khi trở lại hàng ngũ chiến đấu, Buch nói rằng thái độ các cấp chỉ huy đã cải thiện so với lần trước đó. 

Siver đề xuất rằng việc hỗ trợ tâm lý tốt hơn có thể giúp các binh sĩ đối mặt với những khó khăn và căng thẳng của chiến trường.

"Một số người nghĩ rằng nó sẽ giống như trong phim. Mọi thứ sẽ tuyệt vời, tôi sẽ nổ súng rồi rời khỏi vị trí. Nhưng thực tế thì khác. Bạn ngồi trong hào sâu hàng tuần. Một số người ngập đến đầu gối trong bùn, lạnh và đói", anh nói.

Anh cho rằng không có giải pháp dễ dàng để ngăn chặn tình trạng đào ngũ và dự đoán xu hướng này sẽ còn tồi tệ hơn.

"Làm sao để giảm số lượng? Tôi cũng không biết làm sao. Chúng ta chỉ còn cách nhanh chóng kết thúc cuộc chiến", anh nhấn mạnh.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine