Quốc tế gia tăng sức ép lên Myanmar
(Dân trí) - Các nước phương Tây gia tăng sức ép với chính quyền quân sự Myanmar sau khi ít nhất 320 người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối binh biến cho tới nay.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/3 công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào hai tập đoàn kinh tế của quân đội Myanmar gồm Myanmar Economic Holdings Public Company Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Limited (MEC). Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng bất cứ tài sản nào của hai doanh nghiệp trên tại Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng cấm các doanh nghiệp và công dân của mình làm ăn, giao dịch với hai tập đoàn này của Myanmar. Đây là hai trong số các doanh nghiệp do quân đội Myanmar kiểm soát và hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các lệnh trừng phạt này nhằm vào những người chịu trách nhiệm về binh biến ở Myanmar, vào các lợi ích kinh tế của quân đội Myanmar, mà không nhằm vào người dân Myanmar.
Cùng ngày, Anh cũng thông báo sẽ trừng phạt MEHL do mối liên hệ của doanh nghiệp này với các tướng lĩnh quân đội Myanmar. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói, các lệnh trừng phạt sẽ giúp chặn nguồn tài chính của quân đội Myanmar.
Đầu tuần, Liên minh châu Âu (EU) cũng áp lệnh trừng phạt với 11 cá nhân của Myanmar và tuyên bố sẽ sớm áp trừng phạt với các doanh nghiệp của quốc gia Đông Nam Á này. Động thái của các nước phương Tây nhằm gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar, yêu cầu quân đội trả tự do cho các quan chức dân sự và khôi phục nền dân chủ.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng xuống khi các cuộc biểu tình phản tiếp tục nổ ra gần như hàng ngày để phản đối cuộc binh biến của quân đội hôm 1/2. Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết, hôm qua ít nhất 9 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh, nâng tổng số người biểu tình thiệt mạng trong gần 2 tháng qua lên ít nhất 320 người.
Nguồn tin của AAPP cho biết, quân đội Myanmar đang tìm cách hạ nhiệt làn sóng biểu tình trước ngày kỷ niệm thành lập các lực lượng vũ trang vào cuối tuần này. Hôm 24/3, quân đội bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình và hoãn xét xử Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo dân chủ đang bị bắt giữ với ít nhất 5 cáo buộc.
Trong một diễn biến liên quan khác, nhân chuyến thăm Indonesia và hội đàm với người đồng cấp, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, Singapore và Indonesia "rất quan ngại" với tình hình ở Myanmar. Trong một nỗ lực nhằm tìm giải pháp đối thoại cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Malaysia và Indonesia đang hối thúc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của ASEAN.