1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Myanmar đối mặt "bão biểu tình mạnh nhất" sau ngày im ắng bất thường

Minh Phương

(Dân trí) - Hàng nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình trở lại sau một ngày "đình công im lặng" toàn quốc để phản đối binh biến.

Myanmar đối mặt bão biểu tình mạnh nhất sau ngày im ắng bất thường - 1
Người biểu tình dùng các tấm khiên tự chế khi đối đầu với lực lượng an ninh ở Yangon, Myanmar (Ảnh: AFP).

Reuters dẫn thông tin từ các nhân chứng cho biết, hôm nay 25/3, các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra ở thành phố Yangon, thành phố Monywa và một số thành phố khác của Myanmar. Tại Mawlamyine, cảnh sát đã tìm cách giải tán biểu tình, bắt giữ khoảng 20 người.

Một người biểu tình có tên Nant Khi Phyu Aye cho biết, đa số người tham gia biểu tình là thanh niên. "Họ muốn ngày nào cũng biểu tình, không nghỉ ngày nào", người này nói.

Mặc dù quy mô các cuộc biểu tình đường phố có dấu hiệu giảm những ngày gần đây, nhưng một số nhà hoạt động đã kêu gọi biểu tình lớn vào ngày 25/3, ngày đầu tiên sau cuộc đình công "im lặng" toàn quốc. Cuộc đình công kiểu mới diễn ra theo lời kêu gọi của các nhà hoạt động. Theo đó, người dân không ra khỏi nhà, hàng quán, doanh nghiệp đóng cửa, đường xá gần như không bóng người và xe cộ. Đây là ngày im ắng hiếm hoi ở Myanmar kể từ sau binh biến ngày 1/2.

Đình công im lặng diễn ra sau khi một bé gái 7 tuổi bị bắn chết ngay tại nhà khi lực lượng an ninh nổ súng ở thành phố Mandalay, Myanmar hôm 23/3. Chính quyền quân sự trước đó yêu cầu người lao động trong các ngành thiết yếu như y tế, ngân hàng ngừng tham gia biểu tình, đi làm trở lại do lo ngại nguy cơ nền kinh tế bị tê liệt.

"Cơn bão mạnh nhất sẽ đến sau sự im lặng", thủ lĩnh biểu tình Ei Thinzar Maung viết trên mạng xã hội.

Làn sóng biểu tình ở Myanmar vẫn chưa lắng xuống kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự hôm 1/2. Gần 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, mặc dù quân đội Myanmar nói rằng chỉ 164 người biểu tình thiệt mạng. Trong số gần 3.000 người biểu tình bị bắt giữ, khoảng 1.000 người đã được quân đội trả tự do, trong đó riêng ngày hôm qua hơn 600 người được phóng thích.

Để gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar, Mỹ và các nước EU đã áp lệnh trừng phạt với các tướng lĩnh Myanmar và doanh nghiệp liên quan đến lợi ích của họ. Sau khi trừng phạt hàng loạt tướng lĩnh và doanh nghiệp Myanmar, trong tuần này, Mỹ dự kiến sẽ đưa hai tập đoàn quân đội Myanmar vào "danh sách đen" trừng phạt.

Tại châu Á, lãnh đạo một số quốc gia đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi in Jakarta trong chuyến thăm vào hôm nay. Malaysia và Indonesia cũng đang kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar. ASEAN được đánh giá là có vai trò quan trọng trong tiến trình giải quyết khủng hoảng ở quốc gia thành viên Myanmar.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar