1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Myanmar bất ngờ thả hơn 600 người biểu tình, hoãn xét xử bà Suu Kyi

Minh Phương

(Dân trí) - Chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình trong bối cảnh các nước phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt quân đội nước này.

Myanmar bất ngờ thả hơn 600 người biểu tình, hoãn xét xử bà Suu Kyi - 1

Một người biểu tình được trả tự do khỏi nhà tù Insein ở Myanmar sáng 24/3 (Ảnh: AP).

Hãng tin Channel News Asia dẫn lời các nhân chứng cho biết, sáng 24/3, các xe buýt chở đầy tù nhân đã lần lượt ra khỏi nhà tù Insein ở thành phố Yangon của Myanmar. Một đại diện quản lý nhà tù cho biết: "Chúng tôi thả 360 nam giới và 268 nữ giới ở nhà tù Insein hôm nay".

Một luật sư có mặt bên ngoài nhà tù cho biết, có khoảng 15 ô tô chở tù nhân đã rời Insein, "tất cả họ đều bị bắt trước đó vì liên quan đến biểu tình". Trong khi đó, luật sư Khin Maung Myint, người cũng bị bắt giam ở Insein, nói có 16 ô tô chở tù nhân đã rời Insein lúc 10h sáng nay. "Họ được đưa đến các đồn cảnh sát ở địa phương để chính thức được trả tự do", luật sư Khin cho AFP hay.

Truyền thông địa phương đăng tải các hình ảnh cho thấy những người biểu tình được trả tự do ngồi trên ô tô và giơ 3 ngón tay - biểu tượng thể hiện sự phản đối chính quyền quân sự. Theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), ít nhất 2.000 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình ở Myanmar kể từ sau cuộc binh biến ngày 1/2.

Trong một diễn biến liên quan khác, phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi được thông báo hoãn đến ngày 1/4. Đây là lần thứ hai phiên tòa này bị hoãn. Bà Suu Kyi hiện phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc mà chính quyền quân sự đưa ra, trong đó có vi phạm lệnh xuất nhập khẩu, nhận hối lộ.

Myanmar bất ngờ thả hơn 600 người biểu tình, hoãn xét xử bà Suu Kyi - 2

Đường phố vắng vẻ ở thành phố Dawei, cách Yangon của Myanmar khoảng hơn 600km (Ảnh: AFP)

Tại các thành phố lớn của Myanmar, phong trào biểu tình yêu cầu chính quyền quân sự trả tự do cho bà Suu Kyi và các quan chức của chính quyền dân chủ vẫn chưa ngừng lại. Hiện giờ, họ đang hưởng ứng lời kêu gọi "biểu tình im lặng". "Không ra ngoài, không mua bán, không đi làm. Tất cả đóng cửa. Chỉ một ngày", nhà hoạt động Nobel Aung nói.

Nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp ở Yangon đã đóng cửa, đường xá thưa thớt người và xe cộ. Một người dân ở quận Mayangone cho biết: "Những người bán hàng rong cũng không còn thấy trên các đường phố. Không tiếng xe cộ, chỉ có tiếng chim". Một giáo viên quận Kyauktada cho biết, các đường phố vắng hoe. "Đường phố rất ít người, chỉ có các nhân viên giao nước", giáo viên này cho hay.

Chính quyền quân sự Myanmar hiện chưa bình luận về những diễn biến mới này. Trước đó, phát ngôn viên chính quyền quân sự, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói "lấy làm tiếc" vì 164 người dân và 9 thành viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biểu tình, con số này theo thống kê của AAPP là khoảng 275 người. Chính quyền quân sự Myanmar cũng đổ lỗi cho người biểu tình về sự mất mát này. Ông Zaw Min Tun nói, các cuộc đình công cũng như việc các bệnh viện không hoạt động khiến số người chết tăng, trong đó có cả các bệnh nhân Covid-19.

Trong khi đó, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho các quan chức dân chủ, ngừng các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình và khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này. Để gây sức ép, các nước trong đó có Mỹ, Canada và EU đã áp lệnh trừng phạt các tướng lĩnh Myanmar và các doanh nghiệp mang lại lợi ích cho quân đội nước này.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar