1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ chuẩn bị giáng đòn vào "cỗ máy in tiền" của quân đội Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ đang lên kế hoạch áp lệnh trừng phạt với hai tập đoàn quân đội Myanmar nhằm gây sức ép với chính quyền quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ chuẩn bị giáng đòn vào cỗ máy in tiền của quân đội Myanmar - 1
Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính sáng 1/2. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 24/3 cho biết, Bộ Tài chính Mỹ hôm nay sẽ đưa hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát gồm Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) và Công ty TNHH Kinh tế Myanmar (MEHL) vào "danh sách đen", đóng băng bất cứ tài sản nào liên quan đến hai doanh nghiệp này trên lãnh thổ Mỹ.

MEC và MEHL là hai tập đoàn mang lại nguồn thu đáng kể cho quân đội Myanmar và cũng được xem là hai tập đoàn kiểm soát một phần nền kinh tế Myanmar, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đồ tiêu dùng, khai khoáng và bất động sản. Trước đó, Mỹ đã đưa hai doanh nghiệp này cùng với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar vào danh sách trừng phạt hồi đầu tháng 3. Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế xuất khẩu và tái xuất khẩu các hàng hóa theo quy định về quản lý xuất khẩu cho 4 thực thể này.

Mỹ liên tiếp áp lệnh trừng phạt quân đội Myanmar kể từ sau binh biến ngày 1/2 ở nước này. Đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Myanmar vào danh sách quốc gia thuộc nhóm D:1, cho phép Mỹ hạn chế xuất khẩu các hàng hóa bị nghi ngờ dùng cho mục đích quân sự. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đóng băng tài khoản 1 tỷ USD của ngân hàng trung ương Myanmar gửi tại Mỹ khi quân đội Myanmar tìm cách rút số tiền này ngay sau khi lật đổ chính quyền dân sự của nhà dân chủ Aung San Suu Kyi. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với các tướng lĩnh Myanmar và người thân của họ, bao gồm các lệnh đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh.

Liên Hợp Quốc lên án bạo lực ở Myanmar

Cùng với Mỹ, một số nước và Liên Hợp Quốc cũng có các biện pháp gây sức ép với chính quyền quân sự Myanmar. Hôm 24/3, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án bạo lực ở Myanmar. Nghị quyết chỉ trích các lực lượng an ninh Myanmar sử dụng vũ lực không phù hợp, bao gồm cả vũ lực gây chết người. Nghị quyết cũng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và khôi phục nền dân chủ.

Myanmar lún sâu vào khủng hoảng sau khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự hôm 1/2 và giành quyền kiểm soát đất nước bất chấp các cuộc biểu tình. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình Myanmar đến nay khiến gần 300 người thiệt mạng. Quân đội Myanmar hôm qua bất ngờ trả tự do cho hơn 600 người biểu tình sau khi bắt giữ hơn 2.000 người tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối binh biến.

Bất chấp sự chỉ trích của dư luận quốc tế, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing nói rằng, việc chuyển giao quyền lực ở Myanmar là không thể tránh khỏi. Quân đội cáo buộc đảng cầm quyền của bà Aung Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái là nhờ gian lận bầu cử, do vậy quân đội sẽ tạm tiếp quản điều hành đất nước cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử mới công bằng và trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng. Tuy nhiên, đến nay, quân đội Myanmar chưa ấn định thời gian cho một cuộc bầu cử như vậy và cũng phớt lờ kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân chủ Aung Suu Kyi.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar