1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc hội Australia đề nghị hủy thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm

Thành Đạt

(Dân trí) - Một ủy ban của quốc hội Australia đã kêu gọi chính phủ nước này xem xét thu hồi thỏa thuận cho phép công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm.

Quốc hội Australia đề nghị hủy thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm - 1

Australia đã cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm (Ảnh: SCMP).

Báo cáo của Ủy ban quốc hội Australia về thương mại và tăng trưởng đầu tư khuyến cáo rằng, chính phủ Australia nên điều tra liệu thỏa thuận cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới hay không.

Đạo luật Quan hệ Đối ngoại được thông qua vào tháng 12/2020, cho phép chính phủ liên bang chặn các thỏa thuận quốc tế của các trường đại học, hội đồng thành phố và chính quyền tiểu bang vì lý do an ninh quốc gia.

"Có những khuyến nghị được đưa ra nhằm giải quyết những lo ngại nghiêm trọng liên quan tới các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên kết với nhà nước, tài trợ cho các trường đại học và sở hữu hoặc thuê các hạ tầng chiến lược, bao gồm cảng Darwin", báo cáo của ủy ban quốc hội Australia cho biết.

Báo cáo nhận định trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc như hiện nay, "việc để các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên kết với nhà nước Trung Quốc tham gia vào các trường đại học, gồm các Viện Khổng Tử, và cơ sở hạ tầng chiến lược (của Australia) là rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được".

"Ủy ban đưa ra khuyến nghị để xem xét sự cần thiết của đầu tư nước ngoài đối với lợi ích quốc gia. Nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào Australia chỉ nhằm chiếm lấy nguồn vốn của Australia, thay vì phát triển nền kinh tế bằng cách tạo thêm việc làm và cơ hội kinh doanh cho người Australia. Đó không phải kiểu đầu tư phục vụ cho lợi ích quốc gia", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng kêu gọi chính phủ Australia tiến hành rà soát các cảng hoặc cơ sở hạ tầng khác do các tập đoàn nước ngoài sở hữu hoặc thuê theo đạo luật mới.

Chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia năm 2015 đã cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin với giá 506 triệu AUD (302 triệu USD). Ngoài là một cảng thương mại, đây còn là căn cứ cho lực lượng phòng vệ Australia cũng như thủy quân lục chiến Mỹ.

Công ty Landbridge do tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng sở hữu và có liên kết với chính quyền Trung Quốc. Landbridge chiếm 80% cổ phần tại cảng Darwin và có quyền kiểm soát hoạt động của cảng trong 99 năm.

Báo cáo của ủy ban quốc hội Australia cũng đề cập những lo ngại về việc các trường đại học tại Australia ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài chính từ sinh viên Trung Quốc. Báo cáo đề xuất chính phủ liên bang yêu cầu các trường đại học tại Australia công khai nguồn vốn đóng góp từ các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia liên tục căng thẳng trong suốt một năm qua, sau khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19 - động thái khiến Bắc Kinh không hài lòng. Kể từ đó, Trung Quốc áp hàng loạt biện pháp thuế quan, cấm nhập khẩu lên hàng hóa Australia. 

Tháng trước, các nghị sĩ Australia kêu gọi chính quyền bang Queensland chấm dứt hợp đồng cho thuê đảo Keswick đối với công ty bất động sản Trung Quốc China Bloom, vì những thiệt hại về môi trường do dự án phát triển khu nghỉ dưỡng của công ty này gây ra. China Bloom đã ký hợp đồng thuê đảo trong thời hạn 99 năm vào năm 2019.