1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Honduras

Quân đội ngăn máy bay của Tổng thống bị lật đổ hạ cánh

(Dân trí) - Tổng thống bị lật đổ Zelaya cho hay ông không thể hạ cánh xuống sân bay chính của Honduras do quân đội chặn đường bay bằng rất nhiều xe quân sự. Trong khi đó ít nhất một người thiệt mạng khi quân đội cố gắng giải tán người ủng hộ ông Zelaya ở sân bay.

Quân đội ngăn máy bay của Tổng thống bị lật đổ hạ cánh - 1
Hàng rào quân đội ngăn chặn người ủng hộ ông Zelaya bên ngoài sân bay.
 
Phi công trên chiếc máy bay của Venezuela chở Tổng thống bị lật đổ Zelaya về nước phải lượn vòng trên sân bay của thủ đô Honduras, Tegucigalpa, và quyết định hạ cánh là “hoàn toàn không thể” bởi các xe tải chặn hết đường băng.

 

Trong khi đó các nhóm binh sỹ và cảnh sát được triển khai quanh đường băng và quanh vành đai của sân bay, ngăn chặn hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya ở bên ngoài.

 

Ông Zelaya cho biết sẽ thông báo nơi hạ cánh sau. Một phóng viên của Đài truyền hình Telesur của Venezuela ở trên máy bay cho biết các phi công sẽ không liều mạng hạ cánh nhưng sẽ cố hạ cánh vào ngày hôm nay hoặc ngày mai.

 

Hiện họ đang định bay tới El Salvador.

 

Chuyến bay của Venezuela đưa Tổng thống bị lật đổ của Honduras về nước từ Mỹ; trong khi chính phủ lâm thời Honduras tuyên bố sẽ không cho phép ông Zelaya hạ cánh.
  

Từ trên máy bay, ông Zelaya nói vọng xuống: “Tôi là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, được người dân bầu và tôi yêu cầu các lực lượng vũ trang thực hiện theo lệnh mở cửa sân bay để việc hạ cánh không gặp vấn đề gì và thể theo lòng người dân của tôi”, hàng AP dẫn lời ông.

 

Hộ tống ông về Honduras trên máy bay còn có Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miguel D'Escoto Brockmann và nhiều phóng viên.

 

Trong khi đó, Tổng thống các nước Argentina, Ecuador và Paraguay cùng người đứng đầu Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng rời Washington cùng thời gian với ông Zelaya để tới El Salvador giám sát sự việc.

 

Đụng độ gây chết người ở sân bay

 

Quân đội mang khiên chống bạo động đã bắn đạn hơi cay vào hàng ngàn người ủng hộ ông Zelaya, trong khi một số người ủng hộ ném đá trở lại. Hàng ngàn người đã cố gắng phá vỡ hàng rào an ninh.

 

Các nguồn tin bệnh viện và cảnh sát cho hay ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người đã bị thương.

 

Một phóng viên ảnh của AP tại hiện trường cho biết một người đàn ông đã bị bắn trúng đầu từ phía bên trong sân bay. Các bức ảnh của hãng này cho thấy hai thi thể trong đám đông, có vẻ như cả hai đều đã chết.

 

Quân đội, được Quốc hội và tòa án Honduras ủng hộ, đã buộc ông Zelaya rời Honduras vào ngày 28/6 vừa qua, do ông vẫn tiếp tục tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch thay đổi hiến pháp.

 

Cuộc khủng hoảng Honduras

Tổng thống Zelaya lên kế hoạch trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp.
Giới phê bình cho rằng ông muốn tại vị thêm.
28/6: Quân đội bắt giữ và trục xuất ông Zelaya; chủ tịch quốc hội lên làm tổng thống lâm thời
29/6: Tổng thống Mỹ Obama lên án cuộc lật đổ là bất hợp pháp
4/7: OAS tạm loại Honduras để phản đối cuộc lật đổ
Vài giờ trước khi ông Zelaya rời Washington, ngoại trưởng lâm thời của Honduras, Enrique Ortez, cho biết tổng thống bị lật đổ sẽ không được trở lại.

 

Việc lật đổ ông Zelaya đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Hôm thứ bảy, OAS đã tạm thời loại Honduras ra khỏi nhóm này.

 

Nội tình Honduras hiện cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là người ủng hộ lãnh đạo bị lật đổ Zelaya và một bên là người ủng hộ giới chức đã thực hiện vụ lật đổ.

 

Trong những ngày gần đây cả hai bên đều tiến hành biểu tình, nhưng nhìn chung khá hòa bình.

 

Từng là một thương gia giàu có, ông Zelaya là thành viên cánh tả và là đồng minh của Tổng thống Venezuela Chavez. “Đối thủ” của ông Zelaya, gồm Tòa án tối cao và phần lớn quốc hội, đã cáo buộc ông muốn kéo dài nhiệm kỳ. Ông Zelaya đã muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc cải tổ hiến pháp, động thái có thể rỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống hiện nay.

 

 

Phan Anh

Theo BBC, AP