1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Honduras

Quốc hội bỏ phiếu không phục chức cho Tổng thống bị lật đổ

(Dân trí) - Quốc hội Honduras cuối ngày hôm qua đã bỏ phiếu không cho phép phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya, một động thái được xem là đóng sầm cửa trở lại nắm quyền của ông Zelaya sau khi ông bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng 6.

Quốc hội bỏ phiếu không phục chức cho Tổng thống bị lật đổ - 1


Người ủng hộ ông Zelaya ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội khi các nghị sỹ bỏ phiếu quyết định số phận của ông Zelaya.
 

Cuộc bỏ phiếu trong đối với số phận của ông Zelaya là một phần trong thỏa thuận được Mỹ làm trung gian giữa Tổng thống bị lật đổ và các nhà lãnh đạo lâm thời nắm quyền kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 6. Theo thỏa thuận Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định xem ông Zelaya có được trở lại làm tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1 năm tới hay không.

 

Phía Mỹ đã hi vọng ông Zelaya sẽ được phục chức, xong bất chấp áp lực của quốc tế 111 trên tổng số 125 nhà lập pháp Honduras cuối ngày hôm qua vẫn bỏ phiếu chống lại việc phục chức cho ông Zelaya. Chỉ có 14 người ủng hộ ông.

 

Sau đó, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Zelaya đã biểu tình ở bên ngoài tòa nhà quốc hội.

 

“Quyết định này càng cho thấy kẻ đảo chính và những kẻ có tội vẫn tiếp tục được “sống” phi pháp”, ông Zelaya cho biết trên đài phát thanh Globo. Những chủ nợ nước ngoài đã cắt viện trợ cho đất nước nghèo, phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu cà phê, vải vóc này để trừng phạt các lãnh đạo của cuộc đảo chính.

 

Sau khi bị những người thực hiện đảo chính ép ra nước ngoài sống lưu vong, vào tháng 9 vừa qua ông Zelaya đã bất ngờ về nước và tá túc bên trong sứ quán Brazil. Quân đội Honduras đã dọa sẽ bắt ông nếu ông bước chân ra ngoài tòa đại sứ. Chính vì vậy kết quả bỏ phiếu trên được đánh giá là sẽ ném tương lai của ông Zelaya vào “đêm tối”.

 

Ứng cử viên đối lập Porfirio Lobo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào hôm chủ nhật vừa qua, cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch từ trước cuộc đảo chính. Cuộc bầu cử tổng thống có thể đưa Honduras ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài 5 tháng qua và tập trung vào một lãnh đạo mới.

 

Mỹ đã nhanh chóng công nhận kết quả bầu cử nhưng cho biết cuộc bỏ phiếu chỉ là một bước để tiến tới phục hồi nền dân chủ.

 

Quan điểm này đã khiến Mỹ và các cường quốc châu Mỹ Latinh như Brazil, Argentina bị chia rẽ. Hai nước này khẳng định không thể công nhận cuộc bầu cử do chính phủ lâm thời tổ chức.

 

Phan Anh

Theo Reuters