1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội Myanmar giao tranh quyết liệt với phiến quân, 40.000 dân tháo chạy

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở Myanmar đã chiếm và thiêu cháy một căn cứ của quân đội Myanmar, trong bối cảnh giao tranh ác liệt khiến 40.000 dân thường buộc phải bỏ chạy khỏi nơi sinh sống.

Quân đội Myanmar giao tranh quyết liệt với phiến quân, 40.000 dân tháo chạy - 1

Thành viên lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở Karen đứng cạnh các quả đạn cối được tìm thấy tại một tiền đồn quân sự của quân đội Myanmar hôm 7/5 (Ảnh: KLNA/AP).

AFP đưa tin, các thành viên lực lượng "Quân giải phóng quốc gia Karen" (KNLA) đã thiêu cháy tiền đồn U Thu Hta của quân đội Myanmar hôm 7/5 sau khi chiếm giữ nó. Nó nằm ở huyện Mutraw, bang Karen gần sông Salween tại biên giới với Thái Lan.

Vị trí của cơ sở trên nằm cách 15 km so với căn cứ lớn hơn mà KNLA từng giành quyền kiểm soát và thiêu rụi 10 ngày trước đó.

KNLA là lực lượng vũ trang của "Liên hiệp quốc gia Karen" (KNU), tổ chức chính trị đại diện cho người dân tộc thiểu số Karen, nhóm người sinh sống ở phía đông Myanmar.

KNU cùng với lực lượng vũ trang Kachin ở phía bắc Myanmar là 2 nhóm dân tộc thiểu số đã hợp tác với nhau nhằm chống lại quân đội nước này sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Quân đội Myanmar khi đó đã lật đổ chính quyền dân cử và giành quyền điều hành đất nước.

Căng thẳng nội bộ Myanmar leo thang dồn dập từ đó tới nay khi chính phủ quân sự Myanmar vừa phải đối phó với hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường phản đối đảo chính, vừa phải đối mặt với các cuộc giao tranh ngày càng ác liệt với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.

Theo AFP, các cuộc đối đầu giữa quân đội Myanmar và các lực lượng Karen và Kachin hiện xảy ra với tần suất mỗi ngày.

KNU đã đấu tranh để giành thêm nhiều quyền tự chủ cho khu vực trong nhiều năm. KNU cũng công khai phản đối cuộc đảo chính và cung cấp nơi trú ẩn cho những người chống đối chính phủ quân sự Myanmar.

Giao tranh ác liệt kéo theo các vụ tấn công dồn dập của quân đội Myanmar xuống khu vực KNU kiểm soát. Từ cuối tháng 3 tới nay, phía quân đội chính phủ đã thực hiện 30 vụ không kích bằng máy bay quân sự nhằm vào các vị trí của KNLA và khu vực dân sinh mà KNU kiểm soát. Hàng nghìn người dân đã băng qua sông Salween để sang Thái Lan xin tị nạn.

Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết, 40.000 người sống ở khu vực do KNU kiểm soát đã phải di tản do giao tranh quyết liệt giữa KNLA và quân đội Myanmar. Nhiều người đã phải trốn trong rừng, các hang động và thung lũng.

Thêm vào đó, phe đối lập với quân đội Myanmar giữa tháng trước đã thành lập nhóm "Chính phủ liên hiệp quốc gia", kéo theo sự ra đời của "Lực lượng phòng vệ nhân dân" mà nhóm trên mô tả là tiền đề cho việc thành lập "Lực lượng quân đội liên bang", bao gồm cả sự góp mặt của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Giới quan sát cảnh báo về viễn cảnh Myanmar có thể sẽ rơi vào một cuộc nội chiến nếu căng thẳng không hạ nhiệt.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar