1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan chức Nga: Moscow không muốn xung đột đến người Ukraine cuối cùng

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga khẳng định Moscow không muốn xung đột kéo dài "đến người Ukraine cuối cùng".

Quan chức Nga: Moscow không muốn xung đột đến người Ukraine cuối cùng - 1

Xe tăng của Ukraine bị phá hủy ở Donetsk (Ảnh: Sputnik).

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, các quan chức hàng đầu của Nga gồm Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã nói rằng, phương Tây muốn cuộc xung đột kéo dài "cho đến người Ukraine cuối cùng". Phía Nga cho rằng, bình luận này ngụ ý Mỹ và các đồng minh sẵn sàng đánh đổi mạng sống của người Ukraine vì mục tiêu làm suy yếu nước Nga.

Ông Serge Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) Nga, hôm 2/2 khẳng định Moscow không muốn kịch bản này xảy ra.

"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không muốn xung đột đến người Ukraine cuối cùng", ông Naryshkin nhấn mạnh.

Quan chức tình báo Nga nhắc lại lập trường của Moscow rằng, người dân Ukraine không phải là kẻ thù.

"Chúng tôi hiểu rằng phần lớn người Ukraine là những người bình thường, muốn sống một cuộc sống yên bình, nhưng họ vừa trở thành con tin, vừa là nạn nhân của chính quyền Kiev, đồng thời là nạn nhân của các chính sách hiếu chiến của khối NATO", ông Naryshkin nói.

Theo ông Naryshkin, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã "đặt ra mối đe dọa chính đối với sự ổn định và an ninh ở châu Âu và hơn thế nữa".

Nga từ lâu đã khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine thực sự là một "cuộc chiến ủy nhiệm" chống lại Moscow do Washington và các đồng minh tiến hành. Tháng trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov nói rằng, các lực lượng vũ trang nước này đã đối đầu với gần như toàn bộ tập thể phương Tây trong cuộc xung đột tại Ukraine.

"Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự chống lại Nga bằng cách hỗ trợ Kiev ngay từ năm 2014. Bất kỳ tuyên bố nào về "bản chất phòng thủ" của vũ khí cung cấp cho Ukraine từ lâu đã trở nên vô lý", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố vào tháng trước.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga luôn sẵn sàng xem xét bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào về việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao, nhưng cho đến nay Mỹ vẫn chưa đưa ra một đề xuất cụ thể. Thông điệp mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi Nga là "dừng lại" và "rời khỏi" Ukraine, nhưng đề xuất này là không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 12 năm ngoái từng nói rằng, phương Tây đang cố gắng không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 19 tỷ USD cho Kiev. 

Moscow đã nhiều lần cảnh báo, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua lằn ranh đỏ của Nga và dẫn đến xung đột trực tiếp. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhằm làm giảm khả năng vận chuyển binh lính của Kiev, cũng như ngăn cản việc phương Tây cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine