1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức nêu điều kiện để Nga - Ukraine đàm phán hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Đức cho rằng Nga phải rút quân khỏi Ukraine trước khi hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.

Đức nêu điều kiện để Nga - Ukraine đàm phán hòa bình - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm 30/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng, bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng phải đi kèm điều kiện Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, ông Scholz tuyên bố, không thỏa thuận hòa bình nào có thể được ký kết với Nga sau lưng người Ukraine.

Thủ tướng Đức cho biết, ông và tổng thống Brazil đều có quan điểm chung rõ ràng về việc "lên án chiến dịch quân sự của Nga".

"Tôi nghĩ Nga đã mắc sai lầm khi đưa quân vào một quốc gia khác, vì vậy Nga đã sai. Tôi cho rằng khi một bên ngừng chiến, thì cả hai bên sẽ không còn xung đột. Họ phải có mong muốn hòa bình", Tổng thống Lula nói.

Tổng thống Lula tuyên bố Brazil sẽ không cung cấp cho Ukraine đạn dược sử dụng cho pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất, theo yêu cầu của Đức.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Nga có lẽ vẫn chưa sử dụng hết lực lượng dự bị và đang tăng cường lực lượng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. ISW dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 30/1 rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị đàm phán hòa bình với Ukraine.

"Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống (Vladimir) Putin và các nhà cầm quyền ở Moscow đang chuẩn bị cho hòa bình. Thay vào đó, chúng tôi thấy điều ngược lại. Chúng tôi thấy rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơn, họ đang huy động nhiều binh lính hơn, hơn 200.000 người, và có khả năng còn nhiều hơn thế. Họ cũng đang tích cực mua vũ khí mới, mua nhiều đạn dược hơn, tăng cường sản xuất vũ khí của chính họ, nhưng cũng mua thêm vũ khí từ các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên", ông Stoltenberg nói.

Theo ông Stoltenberg, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần nhấn mạnh Ukraine sẽ không thỏa hiệp về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để có được hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, các đề xuất hòa đàm mà Ukraine đưa ra là phi thực tế và không đầy đủ.  

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Điều này có nghĩa là Ukraine phải công nhận việc 4 vùng ly khai Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga.

Tổng thống Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó có yêu cầu Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch tại Ukraine.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm