1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan chức Mỹ nói Ukraine trở thành "phòng thí nghiệm quân sự"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng Ukraine đã trở thành một phòng thí nghiệm nghiên cứu về tiến bộ quân sự.

Quan chức Mỹ nói Ukraine trở thành phòng thí nghiệm quân sự - 1

Lính Ukraine vận hành lựu pháo của Mỹ viện trợ ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

Phát biểu tại Viện Ronald Reagan, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chiến lược, Kế hoạch và Năng lực Mara Karlin nhận định Ukraine đã thực sự trở thành một "phòng thí nghiệm đổi mới quân sự", đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị không người lái. 

Quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho hay những kiến thức rút ra về chiến sự ở Ukraine quan trọng tương đương với dữ liệu mà quân đội Mỹ trước đó đã thu thập trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Bà giải thích: "Có những điều bạn sẽ không thể học được thông qua tập trận, có những điều khác mà người ta chắc chắn sẽ học được khi có một cuộc chiến đang diễn ra".  

"Rõ ràng, Ukraine là một phòng thí nghiệm để nghiên cứu về đổi mới quân sự. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đã thấy những ví dụ", bà nhấn mạnh.

Kể từ khi xung đột bùng phát, phương Tây đã viện trợ cho Ukraine hàng loạt khí tài quân sự.

Vào năm ngoái, ông Aleksey Reznikov - người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine  vào thời điểm đó - nói với Politico rằng, cuộc chiến giữa nước này với Nga đã mang đến cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây cơ hội để đánh giá xem vũ khí nào có khả năng tác chiến hiệu quả nhất.

"Chúng ta có bãi thử vũ khí ở Ukraine trong cuộc chiến này. Ukraine triển khai 8 loại lựu pháo cỡ nòng 155mm khác nhau trên chiến trường, vì vậy, nó giống như là một cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống để xem đâu là vũ khí tốt nhất", ông Reznikov cho hay.

Trong một diễn biến khác có liên quan, khi cuộc chiến sắp bước sang tháng 20, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã nói rằng Mỹ không nên liên tục đổ tiền vào Ukraine, đặc biệt là khi Kiev "không có gì để chứng minh" về hiệu quả khi sử dụng những khoản tiền này.

Nhận định của nghị sĩ đảng Cộng hòa được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất cấp ngân sách viện trợ bổ sung cho Ukraine.

"Nếu có con đường nào đó dẫn đến chiến thắng ở Ukraine thì hôm nay tôi chưa nghe thấy điều đó. Và tôi cũng nghe nói rằng các yêu cầu cấp ngân sách sẽ không có hồi kết", ông Hawley nói.

"Đó là tiền của người dân Mỹ. Họ đã chi 115 tỷ USD và cho đến nay về cơ bản không có thành tựu nào chứng minh cho khoản tiền (là xứng đáng)", ông nhận định, đồng thời cho rằng Đức và các đồng minh châu Âu khác nên "tăng cường nỗ lực" trong việc hỗ trợ Ukraine.

Trả lời Fox News hôm thứ 21/9, ông Hawley cho rằng Mỹ không nên chi thêm tiền cho Ukraine và kêu gọi hoạt động kiểm toán đối với ngân sách đã được gửi tới Kiev.

Ông Biden, người đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng vào cùng ngày, đã đề nghị quốc hội Mỹ cung cấp thêm 24 tỷ USD viện trợ cho Kiev.

"Tôi đang chờ đợi phán quyết đúng đắn của quốc hội Mỹ", ông Biden nói.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby trước đó đã kêu gọi các nhà lập pháp không chặn nguồn viện trợ, đồng thời cảnh báo rằng đây "thực sự là thời điểm quan trọng" để giúp đỡ Kiev.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm