1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ viện trợ quân sự 250 triệu USD, "tiếp lửa" phản công cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Washington cung cấp gói viện trợ an ninh bổ sung trị giá 250 triệu USD cho Ukraine trong bối cảnh chiến dịch phản công của Kiev đang diễn ra.

Mỹ viện trợ quân sự 250 triệu USD, tiếp lửa phản công cho Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ lô hàng viện trợ của Mỹ ở sân bay Kiev năm 2022 (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, gói viện trợ an ninh mới của Mỹ cho Ukraine bao gồm tên lửa phòng không, đạn pháo, hệ thống và tên lửa Javelin cũng như thiết bị rà phá bom mìn.

"Nga đã bắt đầu cuộc chiến này và có thể kết thúc cuộc chiến này bất cứ lúc nào bằng cách rút lực lượng khỏi Ukraine và ngừng các cuộc tấn công tàn khốc. Cho đến khi điều đó xảy ra, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào cần thiết", ông Blinken nhấn mạnh.

Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine được công bố trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực phản công trên các mặt trận nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Ukraine đã phát động chiến dịch phản công lớn vào đầu tháng 6. Mặc dù được phương Tây trang bị thêm nhiều vũ khí, song chiến dịch phản công của Ukraine đến nay chưa đạt được đột phá. Nhiều vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ như xe tăng, xe chiến đấu bọc thép bị phá hủy.

Điều này buộc Kiev phải điều chỉnh chiến thuật phản công nhằm hạn chế tổn thấtm trong khi kêu gọi phương Tây hỗ trợ các máy bay chiến đấu hiện đại để tăng cường năng lực phòng không yểm trợ lực lượng mặt đất.

Các quan chức Mỹ cho biết, chiến lược quân sự của Ukraine hiện phụ thuộc vào khả năng của phương Tây trong việc đáp ứng nhu cầu vũ khí quân sự lớn của họ, nhất là đạn pháo.

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chạy nước rút trong chiến lược cung cấp vũ khí cho Ukraine đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại cho Kiev trước các lực lượng Nga.

Mỹ đã nỗ lực và cam kết gia tăng sản xuất vũ khí đầy hứa hẹn, bao gồm đạn pháo tiêu chuẩn của NATO, sản lượng dự kiến sẽ sớm đạt gấp đôi so với mức trước chiến tranh là 14.000 quả/tháng.

Từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 tới nay, Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. 

Đầu tháng 8, lô xe tăng đầu tiên trong số những chiếc Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã được phê duyệt chuyển đi. Số xe tăng này dự kiến tới Ukraine vào đầu tháng 9.

Washington hôm 18/8 cũng công bố quyết định "bật đèn xanh" cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Mỹ thông báo quá trình đào tạo phi công Ukraine sẽ bắt đầu trong tháng này, cho phép Kiev triển khai các máy bay chiến đấu này vào đầu năm 2024.

Phía Nga nhiều lần phản đối những khoản viện trợ vũ khí từ phương Tây cho Ukraine, cho rằng hành động này sẽ làm kéo dài xung đột. Moscow khẳng định hỗ trợ của phương Tây sẽ không làm thay đổi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Hồi tháng 7, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo viện trợ quân sự cho Kiev sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro xung đột leo thang và lan rộng hơn.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm