1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan chức Mỹ nói phái đoàn Trung Quốc gây sức ép tại hội nghị APEC

(Dân trí) - Các quan chức Mỹ cho biết từ trước khi hội nghị cấp cao APEC diễn ra cho tới lúc sự kiện này kết thúc, các quan chức Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để tạo áp lực cho nước chủ nhà Papua New Guinea cũng như các thành viên của APEC để đạt được lợi ích của họ.

Các nhà lãnh đạo APEC dự họp tại Papua New Guinea


Cờ Trung Quốc và Papua New Guinea được treo dọc con đường trước tòa nhà quốc hội Papua New Guinea ở thủ đô Port Moresby. (Ảnh: Reuters)

Cờ Trung Quốc và Papua New Guinea được treo dọc con đường trước tòa nhà quốc hội Papua New Guinea ở thủ đô Port Moresby. (Ảnh: Reuters)

Lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm hoạt động, hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 18/11 đã kết thúc trong sự bất đồng khi lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên không thể ra được tuyên bố chung vì sự phản đối của một thành viên - Trung Quốc. Theo phóng viên Josh Rogin của Washington Post, khi hội nghị APEC thất bại trong việc ra tuyên bố chung, trái với tâm lý bất bình của các nhà ngoại giao nước khác, các quan chức Trung Quốc đã đồng loạt vỗ tay.

Tuy nhiên đó chỉ là vụ việc cuối cùng sau một loạt vụ việc xảy ra trong một tuần khi Papua New Guinea đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo thế giới về dự hội nghị APEC. Phóng viên của Washington Post cho rằng những vụ việc kỳ quặc và nỗ lực gây sức ép của Trung Quốc nhằm thiết lập tầm ảnh hưởng và tạo áp lực với nước chủ nhà, đồng thời khiến các nước khác phải thuận theo yêu cầu của Bắc Kinh.

“Có một điều đã trở thành thông lệ trong các mối quan hệ chính thức của Trung Quốc: Đó là ngoại giao thịnh nộ. Họ cố gắng giành được những gì họ muốn thông qua việc gây sức ép”, một quan chức cấp cao của Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết.

Theo Washington Post, chiến thuật của Trung Quốc gồm cấm đoán truyền thông quốc tế, lao vào các tòa nhà chính phủ của Papua New Guinea dù không được mời, “phủ sóng” thủ đô Port Moresby bằng các biểu ngữ tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc, thậm chí bị nghi tấn công mạng để làm gián đoạn bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence - trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị cấp cao APEC năm nay.

Phóng viên Josh Rogin đã tháp tùng Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến đi kéo dài một tuần tới châu Á - Thái Bình Dương và hội nghị cấp cao APEC tại Papua New Guinea là điểm dừng chân cuối cùng. Papua New Guinea đã chứng kiến sự “đối đầu” giữa Phó Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người tới Port Moresby trước ông Pence vài ngày để bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước chính thức tới Papua New Guinea.

"Phủ sóng" thủ đô


Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Papua New Guinea trước thềm hội nghị APEC. Biểu ngữ phía sau lưng ông Tập mang nội dung: Hòa bình mang lại sự phát triển, Hợp tác mang lại thắng lợi cho cả hai. (Ảnh: Reuters)

Ông Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Papua New Guinea trước thềm hội nghị APEC. Biểu ngữ phía sau lưng ông Tập mang nội dung: "Hòa bình mang lại sự phát triển, Hợp tác mang lại thắng lợi cho cả hai". (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc hiện hữu khắp mọi nơi tại Papua New Guinea. Phái đoàn Trung Quốc đã treo cờ phủ kín mọi tuyến đường ở thủ đô Port Moresby trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình. Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Papua New Guinea đã yêu cầu hạ những lá cờ này xuống trước khi hội nghị APEC khai mạc. Các quan chức Trung Quốc cũng nghe theo, nhưng lại thay thế bằng những lá cờ toàn màu đỏ và không có sao, gần giống với cờ Trung Quốc.

Tại Port Moresby, một biểu ngữ khổng lồ ca ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã được treo trên một tuyến đường lớn. Biểu ngữ mang nội dung: “Sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ là con đường của sự hợp tác và đôi bên cùng có lợi, mà còn là con đường của hy vọng và hòa bình!”.

Cản trở truyền thông

Động thái gây hấn công khai đầu tiên của Trung Quốc là cấm tất cả truyền thông quốc tế tham gia cuộc họp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo của 8 quốc đảo Thái Bình Dương. Các phóng viên từ nhiều nơi trong khu vực đã đổ về Papua New Guinea để dự sự kiện và chính quyền nước sở tại cũng trao cho họ quyền ưu tiên tác nghiệp. Vậy nhưng các quan chức Trung Quốc đã cấm họ không được vào trong tòa nhà diễn ra cuộc họp và chỉ truyền thông nhà nước Trung Quốc mới được phép vào. Một quan chức Mỹ gọi đây là pha “phản lưới nhà” của Trung Quốc, vì chính các phóng viên bị cản trở tác nghiệp sau đó đã viết bài chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Quốc.

Sự cố internet

Mọi chuyện bắt đầu diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Ngày 17/11, Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mike Pence là hai diễn giả cuối cùng phát biểu tại phiên họp công khai của hội nghị. Họ phát biểu trên một du thuyền neo đậu ngoài bờ biển, trong khi phần lớn các phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Quốc tế ở trên bờ. Tuy nhiên chỉ 5 phút sau khi Phó Tổng thống Pence bắt đầu phát biểu, mạng internet tại trung tâm báo chí bị gián đoạn, đồng nghĩa với việc phần lớn phóng viên không thể nghe hay đưa tin cùng thời điểm ông Pence phát biểu.

Ngay sau khi phó tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu, mạng internet tại trung tâm báo chí bỗng trở lại bình thường một cách bí ẩn. Các quan chức Mỹ cho biết mặc dù không chắc có phải do Trung Quốc can thiệp hay không, song họ vẫn tiến hành điều tra vụ việc.

“Có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với mạng internet trong lúc diễn giả trước ông Pence phát biểu không? (Không). Và diễn giả đó là ai? (ông Tập)”, một quan chức Mỹ đặt câu hỏi.

Lao vào phòng ngoại trưởng


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm chung cùng các lãnh đạo APEC. (Ảnh: Reuters)

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm chung cùng các lãnh đạo APEC. (Ảnh: Reuters)

Ở phía sau hậu trường, các nước thành viên APEC đều đàm phán căng thẳng để ra tuyên bố chung sau hội nghị. Theo phóng viên Rogin, do không hài lòng với nội dung dự thảo nghị quyết, các quan chức Trung Quốc đề nghị gặp Ngoại trưởng Papua New Guinea - người dẫn dắt các cuộc đàm phán. Tuy nhiên ngoại trưởng Papua New Guinea đã từ chối, có lẽ vì không muốn vi phạm nguyên tắc trung lập khi Papua New Guinea đang giữ ghế chủ tọa hội nghị.

Các quan chức Trung Quốc không “ngồi yên”. Họ đã tới Bộ Ngoại giao Papua New Guinea và lao vào phòng ngoại trưởng để đòi gặp ông. Ngoại trưởng Papua New Guinea sau đó buộc phải gọi cho cảnh sát địa phương để đưa các quan chức Trung Quốc ra ngoài tòa nhà. Mỗi nhà ngoại giao mà phóng viên của Washington Post gặp đều ngạc nhiên trước hành động của phái đoàn Trung Quốc.

Phản đối giờ chót

Bước sang ngày 18/11, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục diễn ra và các hành động khó coi của phái đoàn Trung Quốc vẫn chưa dừng lại. Theo lời các quan chức Mỹ, phái đoàn Trung Quốc sốt ruột về tuyên bố chung đến mức họ đã tìm cách tác động tới các nhóm nhỏ hơn bên lề hội nghị cấp cao. Tại phiên thảo luận chính thức, các quan chức Trung Quốc thậm chí còn lớn tiếng với các nước khác về cái gọi là “âm mưu” chống lại Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nói rằng ngoài người Trung Quốc, không ai trong phòng la lối như vậy.

Toàn bộ 20 nền kinh tế thành viên APEC cuối cùng đều nhất trí với tuyên bố chung, ngoại trừ Trung Quốc. Những gì phái đoàn Trung Quốc phản đối chỉ là một câu trong dự thảo tuyên bố, mang nội dung: “Chúng tôi nhất trí đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ bao gồm mọi hành vi thương mại không công bằng”. Phía Trung Quốc cho rằng câu này đã nhắm mục tiêu tới nước họ.

Các quan chức Trung Quốc có hành vi cản trở trong phiên đàm phán cuối cùng. Họ phát biểu dài dòng dù biết thời gian có hạn và lãnh đạo các nước còn phải lên máy bay về nước. Theo một quan chức Mỹ, khi thời gian đàm phán đã hết và hội nghị thất bại khi không ra được tuyên bố chung, phái đoàn Trung Quốc tập trung vào một căn phòng gần nơi diễn ra phiên đàm phán và đồng loạt vỗ tay.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm