Trung Quốc đổ lỗi cho các nước khiến APEC lần đầu không ra được tuyên bố chung
(Dân trí) - Trung Quốc ngầm đổi lỗi cho Mỹ khi cho rằng chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương là lý do khiến hội nghị cấp cao APEC cuối tuần qua ở Papua New Guinea rơi vào bế tắc, lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung.
Hội nghị cấp cao APEC 2018 đã kết thúc cuối tuần qua sau hai ngày họp tại thủ đô của Papua New Guinea. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã không thể ra được tuyên bố chung vì một số bất đồng, chủ yếu được cho là căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Không phải tự nhiên mà hội nghị không ra được tuyên bố chung. Chủ yếu là do một số nước kiên quyết áp đặt quan điểm của họ lên các bên khác vào tuyên bố chung, thể hiện chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, và từ chối chấp nhận những sửa đổi thích hợp mà Trung Quốc và một số bên khác đề xuất", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nêu trong thông cáo.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, điều đó không phù hợp với nguyên tắc đồng thuận của APEC. Trong thông cáo, ông Vương Nghị tuy không đổ lỗi cụ thể cho một quốc gia nào, song nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang ngầm chỉ trích Washington.
Giới quan sát chính trị cho rằng, bế tắc cuối tuần qua tại hội nghị APEC cho thấy căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và dường như Washington đang tìm cách tăng sức ép với Bắc Kinh trước cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào cuối tháng này bên lề hội nghị G20.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ trong thông cáo phát đi hôm qua 19/11 nói rằng: “Mỹ sẵn sàng đồng thuận với các dự thảo tuyên bố của APEC, nhất trí thúc đẩy thương mại tự do, công bằng trong khu vực, đấu tranh với các hoạt động thương mại không công bằng. Nhưng tiếc thay không phải tất cả các nền kinh tế có thể ủng hộ quan điểm này”.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin nói rằng, một trong những yếu tố khiến APEC không thể ra tuyên bố chung là bởi Bắc Kinh phản đối đưa vào dự thảo tuyên bố một câu liên quan đến "hoạt động thương mại không công bằng". Mỹ thường dùng cụm từ này để chỉ trích việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường, đòi hỏi chuyển giao công nghệ một cách ép buộc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Minh Phương
Theo SCMP