1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một câu trong dự thảo khiến APEC lần đầu tiên không ra tuyên bố chung

(Dân trí) - Quan chức Mỹ đã tiết lộ sự phản đối của Trung Quốc với một câu trong dự thảo tuyên bố chung khiến các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung trong lịch sử gần 30 năm của tổ chức.

Các nhà lãnh đạo APEC dự họp tại Papua New Guinea


Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) đứng trước Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải) và đại diện Đài Loan Morris Chang trong nghi thức chụp ảnh chung tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 18/11. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) đứng trước Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải) và đại diện Đài Loan Morris Chang trong nghi thức chụp ảnh chung tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 18/11. (Ảnh: Reuters)

Lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các nhà lãnh đạo đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên ven Thái Bình Dương đã kết thúc hai ngày làm việc tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea mà không đạt được tuyên bố chung bằng văn bản như truyền thống trước đây. Thay vào đó, đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill, chỉ đưa ra bài phát biểu tổng kết về các cuộc hội đàm thất bại.

“Các bạn đều biết ai là hai người khổng lồ trong căn phòng này, vậy tôi có thể nói thêm được gì?”, Thủ tướng O’Neill chia sẻ.

Bầu không khí tại hội nghị APEC năm nay luôn căng thẳng và được “phủ bóng” bởi những phát biểu tranh cãi qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc. Mọi chuyện trở nên “nóng” hơn khi có thông tin nói rằng các quan chức Trung Quốc ngày 17/11 đã lao vào phòng đòi gặp Ngoại trưởng Papua New Guinea - người đang chủ trì các cuộc đàm phán tại kỳ họp APEC năm nay. Hai quan chức cấp cao của Papua New Guinea tiết lộ cảnh sát đã phải can thiệp để đưa các quan chức Trung Quốc ra ngoài, trong khi phía Bắc Kinh bác bỏ thông tin trên.

Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, các quan chức Trung Quốc muốn gặp Ngoại trưởng Papua New Guinea để bày tỏ sự không hài lòng với các câu chữ trong bản dự thảo tuyên bố chung. Quan chức Mỹ cho biết phần lớn mâu thuẫn nảy sinh từ một câu được đề xuất trong dự thảo, đó là: “Chúng ta nhất trí đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm các hành vi thương mại không công bằng”.

Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, Trung Quốc không đồng tình với các từ ngữ trong câu trên vì tin rằng câu này ám chỉ các hành vi thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, tất cả các thành viên còn lại của APEC đều đồng tình đưa câu này vào tuyên bố chung cuối cùng. Thời báo Phố Wall nhận định các quan chức từ một số nước khác dự họp cho biết đây không chỉ là cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, mà các nước thành viên khác của APEC cũng đứng về một phía phản đối Bắc Kinh.

Vụ căng thẳng tại hội nghị APEC với các quan chức Papua New Guinea đã phản ánh xu hướng gần đây của Trung Quốc khi Bắc Kinh công khai đòi hỏi những lợi ích để đổi lấy đầu tư và thương mại. Hồi tháng 9, các đại diện của Trung Quốc đã xô xát với các quan chức tại Nauru sau khi các nhân viên xuất nhập cảnh tại quốc đảo nhỏ bé này từ chối tiếp nhận hộ chiếu ngoại giao Trung Quốc trong cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương. Nauru cũng là một trong 6 nước trong khu vực công nhận Đài Loan, thay vì Trung Quốc.

“Sự tham gia của họ (Trung Quốc) trong khu vực thường được đánh giá là khá hung hăng, và điều này đã được phản ánh qua hành động của các nhà ngoại giao của họ”, Jonathan Pryke, giám đốc chương trình Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy có trụ sở tại Sydney, nhận định.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung


Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa) nhìn Chủ tịch Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình bước vào vị trí chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị APEC. (Ảnh: Reuters)

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa) nhìn Chủ tịch Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình bước vào vị trí chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị APEC. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Mỹ từ lâu đã tìm cách thiết lập một “mặt trận” thống nhất để đối phó với Trung Quốc về thương mại. Washington đã bắt tay với Nhật Bản, một nước thành viên APEC, và Liên minh châu Âu (EU) để theo đuổi lập trường chung nhằm phản đối việc Trung Quốc tìm cách nâng đỡ và bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước, cũng như trong một số vấn đề khác.

Theo Bryan Kramer, nghị sĩ đối lập tại Papua New Guinea và là người phản đối chính sách ngả về Trung Quốc của chính quyền đương nhiệm, vấn đề gây trở lại lớn nhất tại APEC là việc Mỹ đề cập tới “vấn đề minh bạch” trong các thỏa thuận của Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Những mâu thuẫn căng thẳng, kết hợp việc không có tuyên bố chung tại APEC đã dự báo một tương lai khó khăn cho cả Mỹ và Trung Quốc trong việc đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau tại Argentina trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này. Hai bên đặt mục tiêu ít nhất cũng phải đạt được một thỏa thuận “đình chiến” trong cuộc chiến thương mại hiện nay, bao gồm các cuộc đàm phán gắn với cam kết dừng áp thuế thương mại bổ sung của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

“Cuộc họp (tại APEC) khiến hai bên gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành các cuộc đối thoại trước thềm G20. Mỹ không còn hứng thú với việc rút lại những yêu cầu cứng rắn của nước này với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vẫn đánh tín hiệu sẵn sàng đàm phán, nhưng không sẵn sàng nhượng bộ tất cả các đòi hỏi của Mỹ”, Eswar Prasad, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell, nhận định.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 17/11 đã chỉ trích Mỹ về an ninh và thương mại, kêu gọi các quan chức Mỹ từ bỏ “sự ngạo mạn và thành kiến”. Trong khi đó, chia sẻ với các phóng viên trước khi rời Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết ông đã có hai cuộc trao đổi ngắn và thẳng thắn với Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian dự hội nghị APEC năm nay.

“Tôi nhắc lại với họ rằng họ cần mở cửa thị trường. Tổng thống Trump tin rằng một thỏa thuận thương mại có thể đạt được, nhưng chúng tôi vẫn giữ lập trường rất cứng rắn”, ông Pence nói.

Ngày 15/11, tại Singapore, Phó Tổng thống Pence đã có cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN. Theo một quan chức Mỹ, trở về ghế ngồi sau nghi thức chụp ảnh chung, ông Lý đã nói với Phó Tổng thống Mỹ rằng Trung Quốc vẫn là “một nước đang phát triển”. Đáp lại, ông Pence đã nhắc tới các hành vi thương mại của Trung Quốc và đề nghị: “Mọi thứ đều phải thay đổi”.

Là nơi có các tuyến hàng hải quan trọng với nguồn hải sản dồi dào, Nam Thái Bình Dương được xem là khu vực nằm trong tính toán chiến lược của Trung Quốc khi nước này muốn hiện đại hóa quân đội và mở rộng ảnh hưởng kinh tế.

Mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thể hiện rõ qua bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung đằng sau cánh cửa phòng họp tại Papua New Guinea vừa qua. Mặc dù không nêu đích danh Mỹ, song ông Tập Cận Bình đã chỉ trích “chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ” và đây được xem là nhằm vào chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump. Trong khi đó, Phó Tổng thống Pence cũng ngầm công kích Trung Quốc khi tuyên bố Mỹ sẽ “tiếp tục có các biện pháp để buộc các nước phải chịu trách nhiệm về những hành vi kinh doanh thiếu công bằng”.

Papua New Guinea đã trở thành mục tiêu cho chiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách lôi kéo các quốc đảo Thái Bình Dương khỏi các đối tác viện trợ truyền thống từ phương Tây thông qua các khoản vay và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hàng trăm lá cờ Trung Quốc được dựng lên dọc theo con đường 6 làn do Trung Quốc xây dựng, dẫn tới tòa nhà quốc hội Papua New Guinea.

Mỹ và các đồng minh cũng tăng cường các biện pháp cạnh tranh với Trung Quốc. Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ ngày 18/11 đã ký thỏa thuận cung cấp điện trị giá 1,7 tỷ USD với Papua New Guinea . Thỏa thuận này đã cho thấy cam kết hợp tác của Mỹ và các đồng minh trong việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Thành Đạt

Theo WSJ