1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quá trình Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thứ 3 thế giới

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Ukraine từng có thời gian ngắn là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới, nhưng đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân cách đây 29 năm để đổi lấy những đảm bảo an ninh.

Quá trình Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thứ 3 thế giới  - 1

Các binh sĩ đang chuẩn bị tiêu hủy một tên lửa đạn đạo SS-19 tại một căn cứ tên lửa lớn nhất thời Liên Xô ở Vakulenchuk, Ukraine (Ảnh: AP).

Cho đến tận ngày 5/12/1994, Ukraine vẫn là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới.

Năm nay, Ukraine kỷ niệm 29 năm Bản ghi nhớ Budapest, trong đó chứng kiến việc chuyển giao vũ khí hạt nhân của Ukraine - kế thừa từ Liên Xô sau khi Liên bang Xô viết tan rã - sang Nga. Hiện tại, nhiều người Ukraine đã đặt câu hỏi về quyết định lịch sử được đưa ra vào năm 1994, điều vẫn tiếp tục ám ảnh một quốc gia này gần ba thập niên sau.

Vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở Ukraine trước năm 1994

Do vị trí chiến lược của Ukraine trong Chiến tranh Lạnh, nước này được thừa hưởng một kho vũ khí hạt nhân đáng gờm sau khi Liên Xô tan rã cùng với Nga, Belarus và Kazakhstan.

Kho vũ khí hạt nhân của nước này bao gồm gần 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược, cũng như một phi đội máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cạnh tranh với hầu hết các quốc gia có năng lực hạt nhân khác vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù Ukraine sở hữu vũ khí và có đủ khả năng chuyên môn để phát triển và bảo trì chúng, nhưng do thiếu nguồn lực nên nước này không thể làm được điều đó.

Để so sánh, kho dự trữ đầu đạn của Mỹ năm 1994 là 10.979, trong khi ước tính cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân ở Nga là 17.275 vào năm 1991, kết hợp cả mục đích chiến lược và chiến thuật.

Biên bản ghi nhớ Budapest

Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh là một thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết những lo ngại của Ukraine về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ khi giải trừ vũ khí hạt nhân.

Bản ghi nhớ được ký vào ngày 5/12/1994, giữa Ukraine, Mỹ, Anh và Nga trong bối cảnh kiểm soát vũ khí toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh, với việc Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton gọi thế giới là "nơi an toàn hơn" sau khi ký bản ghi nhớ.

Donald M. Blinken, cha của đương kim Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng tham dự với tư cách đại sứ Mỹ tại Hungary vào thời điểm đó.

Văn bản này ký kết việc quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân sau một loạt cuộc đàm phán khi Ukraine tìm kiếm sự đảm bảo và bồi thường cho việc từ bỏ kho dự trữ hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, khi thế giới biến động, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các thỏa thuận đó và liệu Ukraine có nên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào những năm 1990 hay không.

Giải trừ vũ khí hạt nhân

Theo một ấn phẩm năm 1999, quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine là một quá trình tăng dần kéo dài vài năm.

Nga và Ukraine đã tham gia vào các cuộc thảo luận ít nhất từ năm 1992, nhưng không đạt được thỏa thuận nào cho đến khi Mỹ tham gia vào đầu năm 1994 khi một thỏa thuận ba bên được ký kết.

Theo thỏa thuận, ít nhất 200 vũ khí hạt nhân (bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-19 và SS-24) sẽ được chuyển từ Ukraine sang Nga trong vòng 10 tháng, số còn lại sẽ được chuyển giao trong "thời gian ngắn nhất có thể". Tất cả các tên lửa SS-24 của Ukraine cũng sẽ bị vô hiệu hóa và loại bỏ đầu đạn trong cùng thời gian.

Đổi lại, Nga sẽ gửi 100 tấn nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân ở Ukraine trong cùng thời gian đó.

Theo ấn phẩm này, mặc dù Ukraine đã chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật còn lại cho Nga vào năm 1992 nhưng quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn sẽ không hoàn tất cho đến năm 1996.

"Sau một thời gian trì hoãn và giữ nguyên hiện trạng, những đầu đạn chiến lược đầu tiên đã được chất lên một chuyến tàu đặc biệt vào những ngày cuối tháng 2 và chuyển ra khỏi Ukraine vào đầu tháng 3/1994. Đến tháng 11/1994, Nga đã nhận 400 đầu đạn hạt nhân chiến lược từ Ukraine. Đến ngày 1/6/1996, tất cả vũ khí hạt nhân chiến lược đã được dỡ bỏ khỏi Ukraine", ấn phẩm viết.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine