1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Putin muốn gì ở Ukraine?

(Dân trí) - Những diễn biến nhanh chóng tại Crimea đang đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Nga có thực sự muốn can thiệp quân sự vào Ukraine? Nếu có, hành động này có mang lại kết quả như Mátxcơva mong đợi, hay chỉ càng đẩy quốc gia Đông Âu này xích lại gần hơn với Mỹ và châu Âu?

Putin muốn gì ở Ukraine?

Tổng thống Putin không “ngán” Mỹ và châu Âu, song ông có nhiều lợi ích phải tính đến khi quyết định đi nước cờ nào với Urkaine.

Đến thời điểm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa hạ lệnh điều quân đến cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine, cho dù ông đã dễ dàng nhận được “đèn xanh” từ Thượng viện Nga hôm 1/3.

Nhưng điều đó không có nghĩa kịch bản này sẽ không xảy ra và Ukraine hay phương Tây có thể làm gì tùy thích.

Bởi khi cần thiết, với sự quyết đoán và mạnh mẽ của mình, Tổng thống Putin sẵn sàng làm những việc khiến cả ban lãnh đạo lâm thời Ukraine và phương Tây đều mất mặt. Đó là đưa nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine thành vùng đất do Nga kiểm soát, tương tự như ông đã từng làm với Georgia mùa hè năm 2008. Năm đó, nhà lãnh đạo nước Nga đã khiến Georgia chỉ trong một tuần đã bị mất trắng cả Abkhazia và Nam Ossetia sau khi Tbilisi kiên quyết hướng mặt về Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vấn đề đặt ra trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay là liệu ông Putin có nhất thiết phải lặp lại kịch bản ở Georgia?

Trong tuyên bố mới nhất sau khi được Thượng viện phê chuẩn đề xuất đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Putin đã nói nước Nga có quyền làm mọi việc để bảo vệ công dân và lợi ích của mình ở bên ngoài. Tuyên bố là thế nhưng cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn “án binh bất động” cho dù Kiev đã đóng cửa biên giới với Nga và phát lệnh tổng động viên toàn quốc.

Chẳng phải vì ông Putin lo sợ một cuộc đối đầu quân sự với chính phủ lâm thời Ukraine. Càng không phải vì ông e ngại sức ép kinh tế và quân sự từ Mỹ hay NATO, nhất là trong bối cảnh khó khăn tài chính đã buộc Mỹ phải liên tục cắt giảm lực lượng ở Tây. Trên thực tế, ban lãnh đạo nước Nga đang phải cân nhắc bài toán tổng thể giữa đàm hay đánh trong cuộc chiến tại Ukraine hiện nay.

Đánh, tất nhiên sẽ chẳng có lợi cho bên nào, dù trước mắt hay lâu dài. Khi quyết định đánh, ngoài những thiệt hại về người và của, nước Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ đẩy Ukraine - quốc gia từng nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga ở khu vực không gian hậu Xô Viết - ra xa quỹ đạo của mình hơn. Mà mất Ukraine cũng đồng nghĩa với việc Mátxcơva tự kéo “đường biên giới ảnh hưởng của châu Âu” tới sát biên giới nước mình do vùng đệm giữa hai thế lực Đông Tây sẽ không còn là Ukraine như trước, mà chỉ là cộng hòa tự trị Crimea với dân số vỏn vẹn 2,3 triệu người và diện tích hơn 26.000km2.

Không chỉ thế, việc Nga động binh ở Ukraine còn khiến Mátxcơva chắc chắn sẽ phải đối mặt với các biện pháp cô lập về kinh tế, quân sự và ngoại giao của phương Tây; đồng thời khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh mới trong thế kỷ 21. Đó là chưa kể, Ukraine có diện tích và vị trí địa chính trị - địa kinh tế khác hẳn Georgia. Để mất Ukraine, Nga sẽ mất luôn tuyến đường quan trọng ra Biển Đen và cả tuyến đường ống vận chuyển khí đốt trọng yếu sang các thị trường tiêu thụ lớn ở châu Âu.

Trong khi đó, đàm phán chắc chắn sẽ tạo ra không gian an toàn và có lợi hơn nhiều cho tất cả các bên. Lịch sử chiến tranh thế giới cho thấy có rất ít cuộc chiến kết thúc trên chiến trường, mà hầu hết phải tìm câu trả lời trên bàn đàm phán dù mọi việc có thể rất khó khăn.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay cũng vậy. Đàm phán không chỉ giúp nước Nga đỡ phải “hao binh, tốn khí”, mà còn tránh được sự cô lập của phương Tây và bảo toàn được các lợi ích chiến lược lâu dài ở Ukraine. Trong khi đó, với Ukraine, đàm phán đồng nghĩa với việc nước này vẫn có thể giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ cho dù về mặt tinh thần, Crimea đã hoàn toàn thuộc về nước Nga.

Với Nga, cái lợi khi đàm phán rất lớn. Trong quá trình này, Mátxcơva hoàn toàn có thể tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Ukraine theo hướng có lợi cho mình, trong khi lại tránh đẩy quan hệ với Mỹ và châu Âu rơi vào khủng hoảng toàn diện. Ngoài ra, Điện Kremlin cũng có thể thực hiện được cam kết bảo vệ Crimea mà không xâm phạm đến chủ quyền của nước khác, đồng thời khiến Kiev và phương Tây phải lưu tâm nhiều hơn đến các lợi ích chiến lược của Nga trong các hành động sau này.

Tuy nhiên, khi chọn đàm thay cho đánh, câu hỏi đặt ra tiếp theo là Tổng thống Putin có thể đi xa tới đâu trong các hoạt động gia tăng áp lực mà không dẫn đến đối đầu toàn diện?

Xét theo các điều kiện thực tế hiện nay, ông Putin sẽ khuyến khích Crimea tự trị nhiều hơn, nhưng không tách hẳn khỏi Ukraine. Ông sẽ chỉ trích và gây sức ép đối với Kiev, nhưng không làm đổ vỡ quan hệ. Ông cũng sẽ làm cho chính quyền lâm thời Ukraine phải lo lắng bởi các hoạt động ở Crimea và đường biên mà không xảy ra xâm lược. Với những bước đi lớp lang như vậy, ông Putin có cớ để nói với Mỹ và châu Âu rằng mọi hành động của Nga chỉ mang tính hòa bình.

Nhưng đây cũng là một trò chơi nguy hiểm. Chưa ai biết Kiev và phương Tây sẽ tiếp nhận những hành động này của Nga ra sao và liệu họ có đưa ra những phản đòn mạnh mẽ hay không. Trong trường hợp hai bên bị kích động, một cuộc khủng hoảng toàn diện giữa Đông và Tây là điều không thể tránh khỏi và “Lục địa già” sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến mới đem lại mất mát cho tất cả các bên.

 Đôi nét về Cộng hòa tự trị Crimea

Nằm ở phía Nam Ukraine, Crimea là một nước Cộng hòa nghị viện tự trị trong thành phần Ukraine. Thủ đô và nơi đặt trụ sở chính phủ Crimea là thành phố Simferopol, nằm ở trung tâm của bán đảo. Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số 2,3 triệu người.

Crimea là bộ phận “Nga nhất” của Ukraine. Hiện tại ở đây có 3 cộng đồng chính: người Ukraine (20%, sống ở miền Bắc), người Nga (58%, sống ở miền Nam) và người Hồi giáo Tatar (12%, sông ở miền Trung). Theo Viện xã hội quốc tế Kiev, 97% người Crimea nói tiếng Nga và chỉ có 10% tuyên bố coi tiếng Ukraine là ngôn ngữ mẹ đẻ.

Crimea luôn chiếm được sự quan tâm của chính phủ Nga do sở hữu diện tích đất nông nghiệp trù phú và có địa thế gần biển Đen. Crimea sát nhập vào Nga từ năm 1783 và được Nga chuyển giao cho Ukraine năm 1954 dưới thời Liên bang Xô Viết.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhiều người muốn tách Crimea ra khỏi Ukraine và trở thành một phần của Nga, nhưng các nhà lập pháp Ukraine và Crimea đã đưa ra quyết định ngược lại. Theo đó, Crimea vẫn là một phần hợp pháp của Ukraine nhưng nhận được nhiều ủng hộ từ Nga. Crimea được cấp quy chế trở thành một nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraina từ năm 1994 theo thỏa thuận ký giữa chính phủ Ukraine với Mỹ, Anh và Pháp.

 

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm