Obama “khan” lựa chọn về Ukraine khi an ninh Nhà Trắng họp khẩn?
(Dân trí) - Nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama đã nhóm họp vào ngày 1/3 nhằm cân nhắc các lựa chọn chính sách sau khi quốc hội Nga phê chuẩn triển khai quân ở Ukraine.
Nhóm của ông Obama đã họp tại Nhà Trắng nhằm xem xét các lựa chọn và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, trong khi Washington cố gắng “bắt kịp” cuộc khủng hoảng đang leo thang nhanh ở Ukraine và Crimea.
Các thành viên cấp cao của nhóm an ninh quốc gia Nhà Trắng, gồm Tướng Martin Dempsey, Tham mưu trưởng các lực lượng liên quân, trước đó được thấy tới Nhà Trắng trong cuộc họp bất thường vào ngày thứ bảy.
Ông Obama không tham dự cuộc họp nhưng được nhóm an ninh quốc gia thông báo lại và ông đã điện đàm với nhiều lãnh đạo nước ngoài trong cả ngày về tình hình Ukraine.
Giới chức Mỹ cho biết không có thay đổi đối với quan điểm quân sự của Mỹ ở châu Âu khi căng thẳng địa chính trị leo thang tại khu vực.
Cuộc họp tại Nhà Trắng diễn ra một ngày sau khi ông Obama cảnh báo Nga phải “trả giá” nếu vi phạm chủ quyền lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, thông điệp đã bị ông Putin “phớt lờ” khi yêu cầu Thượng viện Nga bật đen xanh cho triển khai quân ở Ukraine. Động thái “bật đèn xanh” của Thượng viện Nga đã khiến quân đội Ukraine báo động, cảnh báo chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine trước đó cho biết Nga đã phái 30 xe bọc thép chở quân và 6.000 binh sỹ vào Crimea.
Mỹ không có nhiều lựa chọn?
Theo giới phân tích Washington dường như có ít lựa chọn khả thi nhằm thay đổi những tính toán của ông Putin trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Giới chức cấp cao Mỹ hôm thứ sáu nói rõ ông Obama và lãnh đạo châu Âu chắc chắn sẽ bỏ dự Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, Nga, vào tháng 6 tới nếu ông Putin chống lại Kiev.
Washington có thể cắt đứt hợp tác kinh tế, thương mại trong bối cảnh Mátxcơva đang muốn thắt chặt.
Ông Obama cũng có thể lựa chọn hỗ trợ quân sự qua các đồng minh của Mỹ ở miền đông châu Âu, thông qua NATO. Song ông đã nói muốn tránh ván cờ kiểu chiến tranh Lạnh với Mátxcơva.
Ông cũng cần sự hỗ trợ của Nga đối với hàng loạt ưu tiên cho chính sách ngoại giao quan trọng, trong đó có đàm phán hạt nhân với Iran, phá hủy kho vũ khí hóa học Syria.
Quốc hội Mỹ cũng đang gây áp lực mạnh lên ông Obama, trong bối cảnh chiến lược “tái khởi động” mối quan hệ với Kremlin của ông đang bị bỏ trống.
Trong khi đó Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain bày tỏ lo ngại Mátxcơva có thể mở rộng can thiệp ra bên ngoài Crimea, vào miền đông Ukraine.
“Tổng thống Obama nói rằng Nga có thể phải “trả giá” nếu can thiệp quân sự vào Ukraine. Giờ Tổng thống cần phải tính toán chính xác những cái giá phải trả đó sẽ là gì và thực hiện các bước khẩn để thực hiện”, ông McCain nói. Và ông cho rằng khi Mỹ và đồng minh càng không phản ứng với Tổng thống Putin thì ông “càng tham vọng và hiếu chiến hơn trong cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine”.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, đảng Cộng hòa Mỹ, đã đưa ra 8 bước ông Obama nên dùng để trừng phạt Nga trong bài báo trên tạp chí Politico. Chúng bao gồm công khai tuyên bố nút “tái khởi động” quan hệ với Nga đã chết và phái Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao tới Kiev để chứng tỏ sự hỗ trợ của Mỹ. Ông cũng đưa ra “bước” loại Nga khỏi nhóm G8, nếu Nga không rút quân khỏi Ukraine.
Vũ Quý
Tổng hợp