1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc hội Nga cho triển khai quân ở Ukraine, Obama trực tiếp cảnh báo Putin

(Dân trí) - Qua điện đàm ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Obama "tố thẳng" Tổng thống Nga Putin rằng Nga đã vi phạm luật quốc tế khi đưa quân xâm nhập Ukraine, khiến Ukraine báo động quân đội,cảnh báo chiến tranh. Trước đó, quốc hội Nga đã “bật đèn xanh” cho ông Putin triển khai quân ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa ông Obama (phải) và Putin (trái) được cho là đang ở giai đoạn không suôn sẻ.

Mối quan hệ giữa ông Obama (phải) và Putin (trái) được cho là đang ở giai đoạn không suôn sẻ.

Cuộc điện đàm 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ vốn đang vào thời điểm kém nồng ấm diễn ra khi Quốc hội Nga bật đèn xanh cho ông Putin đưa quân vào quốc gia láng giềng Ukraine.

Ông Obama nói với ông Putin rằng hành động của ông Putin đã “vi phạm luật quốc tế, bao gồm cả các trách nhiệm của Nga theo Hiến chương Liên hợp quốc và thỏa thuận về đặt căn cứ quân sự ký với Ukraine năm 1997”.

Giới chức Mỹ đã cảnh báo ông Obama và các lãnh đạo châu Âu nhiều khả năng sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, Nga, vào tháng 6 tới, nếu cuộc khủng hoảng Ukraine không được giải quyết.

“Việc Nga tiếp tục vi phạm luật quốc tế sẽ dẫn đến những cô lập kinh tế và chính trị lớn hơn”, Nhà Trắng ra tuyên bố cảnh báo.

Quốc hội Nga phê chuẩn triển khai quân ở Ukraine

Putin đã có quyết định gây sốc khi tìm kiếm sự phê chuẩn của Thượng viện Nga, cho triển khai quân ở quốc gia 46 triệu dân, từng thuộc Liên Xô cũ Ukraine, chưa đầy một ngày sau khi ông Obama cảnh báo hành động như vậy sẽ khiến Nga phải “trả giá”.

Trong yêu cầu được triển khai quân, ông Putin cho biết Nga cũng cần phải bảo vệ “theo đúng luật quốc tế” các quân nhân ở Hạm đội Hắc Hải của Nga đóng tại thành phố cảng Sevastopol của khu tự trị Crimea, miền nam Ukraine.

Thượng viện Nga đã nhất loạt phê truẩn yêu cầu của ông Putin sau một cuộc thảo luận chớp nhoáng.

Chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko cũng yêu cầu Ủy ban đối ngoại của Thượng viện đề nghị ông Putin triệu đại sứ Nga từ Mỹ về.

Putin bảo vệ quyết định triển khai quân trước Obama

Trong cuộc điện đàm với ông Obama, ông Putin khẳng định Nga có quyền “bảo vệ các lợi ích của mình” ở Ukraine. Theo một tuyên bố của điện Kremlin, ông Putin đã cảnh báo về một “đe dọa thực sự ngày một lớn đối với mạng sống và sức khỏe của công dân Nga” ở Ukraine.

Động thái tiến tới một cuộc chiến đầu tiên của Nga kể từ cuộc chiến 5 ngày với Gruzia năm 2008 đã khiến một số cường quốc thế giới phản ứng.

Tại Liên hợp quốc, Mỹ đề nghị chấm dứt ngay can thiệp của Nga vào Ukraine, trong khi Kiev kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Trong phiên thảo luận khẩn của Hội đồng 15 thành viên, đại diện Mỹ Samantha Power kêu gọi quan sát viên từ Liên hợp quốc và Tổ chức hợp tác và An ninh ở châu Âu triển khai tới Ukraine và hỗ trợ một phái đoàn trung gian hòa giải quốc tế ở Crimea.

“Đã đến lúc sự can thiệp của Nga vào Ukraine phải chấm dứt. Quân đội Nga phải rút đi”, bà cho hay.

Trong cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng tư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi ông Putin nhanh chóng tổ chức đàm phán trực tiếp với giới chức ở Kiev.

Ukraine báo động quân đội, cảnh báo chiến tranh

Cuộc khủng hoảng gây đổ máu nhiều nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1991 ở đất nước rộng lớn lớn Ukraine nổ ra vào tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống khi đó Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), nhằm mở cách cửa cho nước này gia nhập EU. Thay vào đó ông ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn với Mátxcơva.

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết ông đã đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng cảnh báo và yêu cầu củng cố thêm an ninh quanh các sân bay, nhà máy hạt nhân.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh trước đó cho biết Nga đã phái 30 xe bọc thép chở quân và thêm 6.000 binh sỹ vào Crimea nhằm giúp các chiến binh ủng hộ thân Nga giành thêm độc lập từ các lãnh đạo ủng hộ EU ở Kiev.

Động thái của ông Putin diễn ra sau khi Thủ tướng mới được bầu chọn của vùng tự trị Crimea, ông Sergiy Aksyonov, kêu gọi sự giúp đỡ của ông Putin. Tuy nhiên vị trí thủ tướng Crimea của ông Sergiy Aksyonov không được giới chức ở Kiev chấp nhận.

Hàng chục người đã bị thương ở thành phố miền đông Kharkiv khi vài trăm người xông vào cuộc tập hợp của 20.000 người ủng hộ thân Nga và cố gắng xông vào trung tâm hành chính khu vực.

Hơn 10.000 người mang cờ Nga cũng biểu tình phản đối các lãnh đạo mới của Kiev ở “cứ địa” của Tổng thống bị phế truất Yanukovych tại Donetsk.

Một thượng nghị sỹ hàng đầu của Nga cho biết 143.000 người Ukraine đã chạy sang Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát.

Ukraine yêu cầu NATO trợ giúp, NATO họp khẩn

Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã họp khẩn với 28 đại sứ vào ngày 0h ngày hôm nay 2/3 về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cho hay Ukraine đã đệ yêu cầu NATO “xem xét tất cả mọi khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”, hãng thông tấn Interfax Nga đưa tin.

Ngoại trưởng Anh William Hague trước chuyến đi tới Kiev vào ngày hôm nay 2/3 cho hay ông đã triệu đại sứ Nga lên để bày tỏ lo ngại về “mối đe dọa có khả năng nghiêm trọng của Nga đối với chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Lên án “làm leo thang căng thẳng không chính đang”, lãnh đạo ngoại giao EU Catherine Ashton cho biết ngoại trưởng của khối 28 thành viên này sẽ có cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng vào ngày thứ hai tới.

Với nguy cơ về món nợ treo trên đầu, ban lãnh đạo mới ở Kiev cho hay họ cần 35 tỷ USD trong 2 năm tới để giữ cho nền kinh tế sống sót.

Trong cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Canada Stephen Harper, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ phối hợp trong gói viện trợ Ukraine.

Trung Anh