1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cửa nào cho phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine?

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ đã đe dọa trả đũa đối với hành động của Nga tại bán đảo Crimea và để ngỏ tất cả các giải pháp. Nhưng liệu Mỹ có thực sự cân nhắc tất cả giải pháp, trong đó có các biện pháp quân sự? Mỹ và phương Tây thực lực có thể làm gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine?

Các phương án ngoại giao

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
 
Bước đi quan trọng đầu tiên thường hiện thực hiện nhằm đáp trả một hành động gây phẫn nộ quốc tế là sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau đó có thể là các nghị quyết yêu cầu các bước đi sửa sai của bên bị cho là có lỗi. Và nếu điều đó thất bại, Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu hành động quân sự quốc tế.

Nhưng tất cả các phương án trên đều không khả thi lúc này. Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, vì vậy có thể và sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm lên án nước này. Đây là một thất bại do hệ thống của Hội đồng Bảo an - sự bất lực trước một thành viên thường trực.

Nhưng cũng có các phương án hành động khác. 7 quốc thành viên thuộc nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã "quay lưng" với thành viên thứ 8 - Nga - khi hủy công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8, dự kiến diễn ra tại Sochi vào tháng 6 tới.

Các hình thức hợp tác khác với Nga có thể bị "treo giò". Quan hệ đối tác EU-Nga, với các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức 2 năm một lần, là một phương án. Hội đồng Nga-NATO là một phương án khác.

Nhưng việc quay lưng với Nga về mặt ngoại giao cũng có những nguy cơ lớn. Sự hợp tác của Nga rất quan trọng đối với chính sách của phương Tây về Iran, Triều Tiên và Afghanistan, và Nga cũng có ảnh hưởng rất lớn tại Syria.

Anh được cho là đã ra lệnh tẩy chay ở cấp bộ trưởng Thế vận hội Paralympic dành cho các vận động viên khuyết tật, khai mạc vào ngày 7/2 tới tại Sochi, vốn nằm cái thủ phủ Simferopol của Cộng hòa tự trị Crimea chỉ khoảng 480 km. Nhưng việc chỉ tẩy chay một sự kiện thể thao sẽ không có tác dụng thực sự, và các quốc gia rất miễn cưỡng trong việc áp dụng các biện pháp này kể từ các vụ tẩy chay "ăn miếng trả miếng" thời Chiến tranh Lạnh vào năm 1980 và 1984.

Các phương án kinh tế
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
EU phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt, với các hệ thống đường ống vận chuyển hầu hết đi qua Ukraine.

Ngoài các phương án ngoại giao, phương Tây cũng có thể áp đặt các biện pháp nhằm tổn hại tới Nga về mặt kinh tế. Các biện pháp này có thể được áp dụng mà không cần sự ủng hộ của Liên hợp quốc.

Nga có các mối quan hệ kinh tế to lớn đối với phương Tây. Mỹ đã hủy các cuộc đàm phán với Nga về các vấn đề năng lượng và một hiệp ước đầu tư song phương.

Một trong những mối quan hệ kinh tế lớn nhất giữa châu Âu và Nga là dầu mỏ và khí đốt, nhưng đây cũng là một điểm yếu. Nga là nhà cung cấp khí đốt từ lớn nhất của EU, cung cấp khoảng 25% lượng thiêu thụ khí đốt, trị giá gần 100 triệu USD mỗi ngày. EU quá phụ thuộc vào Nga nên khối này không thể làm gì. Châu Âu cũng không có các lựa chọn khác để giảm bớt nhu cầu cung cấp từ Nga, mặc dù sau một mùa đông lạnh lẽo, EU có thể có đủ khí đốt dự trữ trong khoảng vài tháng.

Giới nhà giàu Nga cũng có thể là một mục tiêu. Là các du khách thường xuyên tới phương Tây, họ có thể giữ hàng triệu USD trong các tài khoảng ngân hàng phương Tây, hoặc đầu tư vào bất động sản và các đội bóng ở phương Tây.

Nhà phân tích an ninh về Nga Mark Galeotti cho biết: "Vũ khí mạnh nhất chống lại phương Tây là tấn công giới nhà giàu mà Kremlin bị ảnh hưởng nhiều".

Ông Galeotti nói, ông hi vọng về "các lệnh cấm vận và đóng băng tài sản đối với các quan chức, thông qua các biện pháp hạn chế visa và thậm chí là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tập đoàn của Nga".

Việc tấn công các doanh nghiệp nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng phương Tây không muốn trả đũa, vì một số công ty của chính họ, như ExxonMobil và Boeing, có sự hiện diện lớn tại Nga.

Sức ép kinh tế từ phương Tây có thể phải diễn ra trong thời gian dài - tập trung vào việc giảm thương mại và đầu tư.

Các biện pháp đóng băng tài sản và hạn chế visa đã được sử dụng trước trước đó, mà điển hình là việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga có liên quan tới vụ bắt giữ và cái chết của luật sư Nga Sergei Magnitsky. Những biện pháp tương đối hạn chế này có ảnh hưởng rất yếu ớt đối với các quan hệ với Nga, vốn trả đũa bằng một loạt biện pháp trong đó có lệnh cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi.

Nhưng ông Francesco Giumelli, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt quốc tế tại Đại học Groningen ở Hà Lan, cho rằng các biện pháp trên không nên chỉ sử dụng để nhằm vào những người Nga giàu có.

"Về mặt pháp lý là rất khó... Làm thế nào bạn có thể liên hệ những người này với các biện pháp cụ thể tại Crimea. Bạn cần phải chứng minh được rằng họ đã tham gia vào những điều sai trái", ông Giumelli nói.

Theo ông Giumelli, các biện pháp cấm vận đi lại - chứ không phải tài chính - nhiều khả năng là bước đi đầu tiên, nhằm vào các tướng lĩnh và giới chức quốc phòng Nga có vai trò trực tiếp tại Crimea, hoặc xa hơn là các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hành động của Nga tại Crimea. Ông Giumelli cho rằng biện pháp này dường như chỉ mang tính biểu tượng, nhưng cho thấy một cam kết hành động và có thể được tăng cường sau đó.

Thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào đội ngũ thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin hoặc các tập đoàn kinh tế mạnh nhiều khả năng sẽ chỉ vấp phải sự trả đũa, ông Giumelli nhận định, và nói thêm "điều đó có thể giúp gì được Ukraine?".

"Thật dễ dàng khi nói rằng "chúng ta cần phải mạnh mẽ" nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người Nga cũng nói điều tương tự. Tôi không nghĩ EU muốn đưa nó lên mức mà ai đó lại phải kéo nó xuống", ông Giumelli nói.

Các phương án quân sự
 
Tàu chiến USS Ramage của Mỹ đã có mặt tại Biển Đen nhưng nhiều khả năng sẽ không hành động gì.

Tàu chiến USS Ramage của Mỹ đã có mặt tại Biển Đen nhưng nhiều khả năng sẽ không hành động gì.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố cân nhắc "mọi phương án" nhưng giới chuyên gia cho rằng một hành động quân sự là không có khả năng xảy ra. Giới phân tích cũng nhất trí rằng không có viễn cảnh NATO chiến tranh với Nga vì Ukraine.

Ngoại trưởng Anh William Hague cũng thẳng thừng tuyên bố: "Hiện tại, không có phương án quân sự nào được thảo luận".

Ukraine là một quốc gia đối tác của NATO, nhưng không phải là thành viên của liên minh, do đó không nhận được các biện pháp đảm bảo an ninh.

Mục tiêu to lớn hiện là giảm quân sự hóa cuộc khủng hoảng và cố gắng đưa Nga và Ukraine tới bàm đàm phán. Do vậy, NATO nhiều khả năng sẽ hành động thận trọng. Bất kỳ sự triển khai lực lượng nào tới khu vực Biển Đen hoặc đề nghị triển khai các phương tiện giám sát cũng có thể bị phía Nga xem là NATO đang can thiệp vào Kiev và có thể khiến Mátxcơva nổi giận.

Đây không phải là một cuộc chiến tranh tiềm tàng mà Ukraine có thể thắng về mặt quân sự, dù có sự trợ giúp của NATO hay không.

Chờ đợi điều gì?

Nhiều nhà phân tích cho rằng một hành động kiên quyết, bất ngờ của phương Tây khả năng sẽ không xảy ra. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhiều khả năng cũng bắt đầu ở quy mô nhỏ và sau đó lớn dần, và trong bất kỳ trường hợp nào phương Tây cũng cần thời gian để đi đến quyết định và thực thi, ít nhất là tại EU, nơi sự nhất trí của 28 quốc gia thành viên phải được đảm bảo.

Phương Tây cũng nên nhận thức rõ ràng các biện pháp trừng phạt có thể phản tác dụng, làm tổn hại chính các quan hệ kinh tế của họ với Nga, đặc biệt là nếu Mátxcơva tìm cách trả đũa.

An Bình